Báo chí viết về Viramie

Triển vọng mô hình cây gai xanh

Mô hình trồng khảo nghiệm giống cây gai xanh AP1 được Công ty Cổ phần Cây trồng và Vật nuôi tỉnh Điện Biên triển khai từ tháng 2/2022, tại bản Pá Ngam 2, xã Núa Ngam (huyện Điện Biên), trên diện tích gần 14ha. Sau 4 tháng trồng khảo nghiệm cho thấy, cây gai xanh AP1 thích ứng khá tốt với điều kiện địa phương, tỷ lệ cây sống cao, gần như không phải trồng giặm; sinh trưởng nhanh. Niềm vui, sự phấn khởi hiện rõ khi toàn bộ vỏ gai làm ra được Công ty Cổ phần Cây trồng và Vật nuôi tỉnh Điện Biên – đối tác duy nhất của Tập đoàn An Phước Viramie tại tỉnh bao tiêu toàn bộ theo đúng hợp đồng đã ký kết với nông dân.

Đại diện lãnh đạo xã Núa Ngam, huyện Điện Biên chia sẻ, trước đây một số gia đình bản Pá Ngam 2 chuyên trồng các loại cây nông nghiệp nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Từ đầu năm nay người dân chuyển sang trồng cây gai xanh nguyên liệu theo mô hình của Công ty Cổ phần Cây trồng và Vật nuôi tỉnh Điện Biên. Do phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên cây gai xanh phát triển tốt và đang cho thu hoạch. Đặc biệt, trồng cây gai xanh hiệu quả kinh tế cao hơn các cây trồng khác vì cây gai xanh dễ trồng, đầu tư một lần cho thu hoạch kéo dài nhiều năm; trong khi, có đơn vị cam kết bao tiêu sản phẩm.

Đến nay, diện tích cây gai xanh đã cho thu hoạch lứa 1, năng suất bình quân đạt 500kg – 600kg vỏ cây gai xanh/ha. Qua tính toán, với mức sinh trưởng như hiện tại của cây gai xanh ở Núa Ngam sẽ cho năng suất vỏ khô tốt, nếu chăm sóc đúng quy trình với mức thâm canh như khuyến cáo thì từ năm thứ 2 trở đi mỗi năm cho doanh thu tối thiểu 142 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận khoảng 45 – 75 triệu đồng/ha/năm.

Không chỉ triển khai mô hình cây gai xanh ở Núa Ngam, sau 5 tháng đưa vào triển khai mô hình cây gai xanh AP1, đến nay cây gai xanh đã có mặt tại 6/10 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh, với tổng diện tích trồng khoảng 74ha; trong đó, chủ yếu ở huyện Điện Biên 37,5ha và Mường Nhé 20,5ha. Ông Phạm Văn Lương, Giám đốc Công ty Cổ phần Cây trồng và Vật nuôi tỉnh Điện Biên cho biết: Gai xanh là cây trồng dễ tính, trồng 1 lần thu hoạch ổn định trong 10 năm. Rất ít, thậm chí là không phải dùng tới hóa chất bảo vệ thực vật, vì cây trồng không có đối tượng sâu bệnh gây hại ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng. Trong khi đó, doanh nghiệp cam kết thu mua 100% sản lượng sản xuất ra. Nếu cây trồng được chăm sóc đúng quy trình thì thu nhập trung bình cao hơn trồng ngô, sắn 3 – 4 lần. Cụ thể, cây gai xanh sau khi trồng từ 110 đến 120 ngày là cho thu hoạch vụ đầu của năm thứ nhất, sản lượng đạt khoảng từ 1,2 – 1,6 tấn/ha/năm; sản lượng năm thứ 2 trở đi đạt 3,5 tấn/ha/năm và nếu thổ nhưỡng tốt, đủ phân, nước… sản lượng sẽ đạt đến 4,5 tấn/ha/năm. Mỗi năm tính trung bình thu 4 – 6 vụ, năng suất trung bình năm (4.06 tấn/ha/năm/5 vụ). Giá thu mua tính giá trung bình tại địa phương 35.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, trồng cây gai xanh còn góp phần cải tạo đất trồng và được liên kết bao tiêu sản phẩm. Việc triển khai mô hình sẽ góp phần mở thêm hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh. Do vậy, trong thời gian tới, Công ty mong muốn tiếp tục được tạo điều kiện để mở rộng diện tích trồng gai xanh tại Điện Biên. Cũng theo ông Lương, thời gian tới đơn vị tiếp mở rộng phát triển vùng nguyên liệu trồng, với quy mô dự kiến giai đoạn 2022 – 2023 là 700ha chủ yếu ở các huyện: Điện Biên, Mường Chà, Mường Nhé, Điện Biên Đông, Nậm Pồ và TP. Điện Biên Phủ.

Đây là mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Hiệu quả bước đầu của mô hình đã mở ra triển vọng về hướng sản xuất mới cho người, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương. Tuy nhiên, không khuyến khích bà con trồng ồ ạt mà phải có sự liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo sản xuất bền vững.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

024 35 578 340