Truyền thông

Tỉnh Sơn La triển khai dự án “Giảm nghèo thông qua phát triển sản xuất nông nghiệp và thương mại vùng biên giới Việt Nam – Lào”

Dự án “Giảm nghèo thông qua phát triển sản xuất nông nghiệp và thương mại vùng biên giới Việt Nam – Lào” sử dụng Quỹ đặc biệt Hợp tác Mê Công – Lan Thương là dự án phát triển chuỗi sản xuất Gai xanh gắn với tiêu thụ bền vững. Nâng cao thu nhập, năng lực quản lý, làm chủ về kinh tế cho người hưởng lợi vùng biên giới. Thúc đẩy chính sách hỗ trợ trong phát triển sản xuất Gai xanh bền vững. Trên cơ sở các chính sách hỗ trợ của nhà nước, các bên liên quan sẽ giúp cho các hộ tham gia vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ Gai xanh trong tương lai có cơ hội được tăng thu nhập, tiếp cận với các nguồn vốn, hỗ trợ về kỹ thuật.

Dự án trồng cây Gai xanh được triển khai sẽ giúp nhân dân vùng biên giới

Việt Nam – Lào phát triển kinh tế

Dự án gồm các hoạt động chính như: Xây dựng 230 ha vùng nguyên liệu Gai xanh (bao gồm 10 ha vườn mẫu); hỗ trợ thành lập các nhóm sở thích trồng Gai xanh; tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế Gai xanh; liên kết tiêu thụ, tạm ứng vật tư đầu vào, máy sơ chế với Doanh nghiệp; xây dựng và đề xuất một số chính sách cho hỗ trợ phát triển Gai xanh; tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thực hiện dự án với Lào và Trung Quốc. Được viện trợ không hoàn lại bằng tiền mặt của Quỹ đặc biệt Hợp tác Mê Công – Lan Thương với tổng mức đầu tư 16.116,35 triệu đồng, trong đó: Vốn ODA viện trợ không hoàn lại là 9.331,6 triệu đồng; vốn đối ứng của các đối tác tham gia dự án 6.784,75 triệu đồng. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 4/2022 đến tháng 4/2024 tại 04 xã biên giới: Chiềng On, Phiêng Khoài, Lóng Phiêng và Chiềng Tương, huyện Yên Châu.

Đến hết tháng 6/2023, đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong công tác đấu thầu (gói thầu số 01: Cung cấp hỗ trợ máy móc, giống, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất, sơ chế sản phẩm Gai xanh): Thực hiện đấu thầu rộng rãi, xây dựng, thẩm định, phê duyệt E-Hồ sơ mời thầu đăng tải lên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu; ký hợp đồng cung cấp hàng hóa với đơn vị trúng thầu với số tiền trên 6,7 tỷ đồng. Ký thỏa thuận hợp tác giữa Ban QLDA GREAT – Sở Kế hoạch & Đầu tư và Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật thực hiện các hoạt động của dự án và hỗ trợ kỹ thuật, với tổng giá trị thỏa thuận 1,1 tỷ đồng.

Trong các tháng đầu năm 2023, dự án đã hoàn thành hoạt động khảo sát, đánh giá vùng nguyên liệu tại 04 xã Chiềng On, Chiềng Tương, Lóng Phiêng và Phiêng Khoài; đánh giá nhu cầu của 160 hộ sản xuất nông nghiệp tại 04 xã vùng dự án bằng bảng hỏi, thu thập thông tin định lượng và một phần thông tin định tính. Trong giai đoạn đầu triển khai, dự án đã tổ chức Hội thảo khởi động tại huyện Yên Châu, với sự tham gia của 129 đại biểu giới thiệu về dự án, về phát triển cây Gai xanh và giải đáp những thắc mắc của các hộ dân và UBND các xã tham gia dự án về các vấn đề như: Cam kết tiêu thụ sản phẩm cho các hộ tham gia dự án; Hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ dân, vốn hỗ trợ, vốn ứng trước của doanh nghiệp, lộ trình thu hồi vốn ứng trước cho các hộ dân tham gia dự án. Đồng thời tổ chức chuyến tham quan địa bàn đang trồng Gai xanh tại xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã cho 107 đại biểu.

Với mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu 230 ha cây Gai xanh, trên cơ sở nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà tài trợ và thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp với nông dân, Ban QLDA GREAT cùng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật đã phối hợp với UBND huyện Yên Châu nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện dự án, tiến hành khảo sát, đo đạc xác định diện tích đất phù hợp với cây Gai xanh của các hộ đã đăng ký để tiến hành ký kết hợp đồng. Đến hết ngày 30/6/2023, đã có 129 hộ được tuyên truyền, vận động và diện tích đăng ký đạt 88 ha, tiến hành ký hợp đồng diện tích 16 ha của 27 hộ, diện tích đã trồng đạt 7,8 ha.

Để trang bị kiến thức, kỹ năng chuẩn bị cho người dân các điều kiện sẵn sàng cho việc xuống giống trồng Gai xanh; trong tháng 6/2023 dự án đã tiến hành tổ chức 02 lớp tập huấn kỹ thuật làm đất và trồng Gai xanh tại 2 xã Chiềng On, Chiềng Tương với 35 học viên tham dự. Tại lớp tập huấn giảng viên cùng đại diện doanh nghiệp, cán bộ Ban QLDA đã trao đổi, giải đáp các thắc mắc cho người dân các vấn đề còn băn khoăn như quy trình làm đất, chọn giống gai, cách sử dụng vật tư phân bón, quy trình chăm sóc cây và hướng dẫn thực hành tại ruộng, nương. Đến ngày 30/6/2023, Ban QLDA đã phối hợp với UBND huyện, xã, bản cùng nhà thầu cung ứng bàn giao cho các hộ dân ký hợp đồng thực hiện với 7,8 tấn phân hữu cơ; 77.400 cây giống cho các hộ dân đã ký hợp đồng tại xã Chiềng On, Chiềng Tương với diện tích 7,8 ha. Đến nay đã hoàn thành trồng được 7,8 ha cây Gai xanh trên địa bàn 02 xã (Chiềng Tương 3,5 ha, Chiềng On 4,3 ha).

Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tăng cường sự phối hợp giữa Ban QLDA GREAT, UBND huyện Yên Châu, UBND các xã vùng dự án và các đối tác của dự án tuyên truyền, vận động người dân tham gia dự án; chỉ đạo các đảng viên, cán bộ chủ chốt của xã, bản gương mẫu đi đầu vận động người thân trong gia đình, bà con trong bản tham gia thực hiện mục tiêu của dự án. Chỉ đạo UBND các xã vùng dự án tiếp tục tổ chức vận động các hộ dân đã trồng Ngô và các cây trồng khác có hiệu quả kinh tế thấp hơn cây Gai xanh ký cam kết sau khi thu hoạch chuyển đổi sang trồng cây Gai xanh để cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho bà con nhân dân vùng dự án. Thực hiện bàn giao giống và vật tư đầu vào đầy đủ, kịp thời tới các hộ dân; đồng thời tiếp tục hướng dẫn quy trình, kỹ thuật cho các hộ dân trồng đợt đầu theo chu kỳ sinh trưởng của cây gai và tổ chức tập huấn cho các hộ đăng ký trồng mới để sẵn sàng triển khai trồng ngay đối với những diện tích sau thu hoạch Ngô và các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp hơn cây Gai xanh. Tiếp tục thực hiện các hoạt động của dự án đảm bảo theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Sơn La

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

024 35 578 340