Báo chí viết về Viramie

Phát triển cây gai xanh trên địa bàn huyện Quan Sơn

Để phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh thực hiện Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ Nhà máy sản xuất sợi dệt tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thuỷ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, huyện Quan Sơn đã và đang chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, đưa cây gai thay thế một số cây trồng kém hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập của người dân.

 

Thực hiện Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ Nhà máy sản xuất sợi dệt tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thuỷ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 1484/QĐ-UBND ngày 24-4-2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, UBND huyện Quan Sơn được giao diện tích 393,0 ha thực hiện trên 9 xã.

Nhằm khuyến khích phát triển mở rộng diện tích cây gai xanh nguyên liệu trên địa bàn tỉnh, năm 2021 HĐND tỉnh đã ban hành 2 Nghị quyết (Nghị quyết số 385/2021/NQ-HĐND, ngày 24-4-2021 và Nghị quyết số 116/2021/NQ-HĐND, ngày 17-7-2021) về cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển cây gai xanh nguyên liệu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030). Cụ thể, hỗ trợ 10 triệu đồng/ha khi chuyển đổi cây trồng lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây gai; hỗ trợ 50% (tối đa 10 triệu đồng/ha) để mua giống trồng mới; hỗ trợ kinh phí mua máy tước vỏ gai với mức 5 triệu đồng/máy.

 

 

Sau thời gian triển khai thực hiện cơ chế, chính sách của tỉnh, đến nay toàn huyện đã mở rộng được 24,5 ha tại 4 bản của 3 xã là Trung Xuân, Mường Mìn, Sơn Điện. Trong đó, xã Trung Xuân được trồng tại bản Muỗng, bản La có tổng diện tích 15,8 ha. Đây là xã đầu tiên trên địa bàn huyện Quan Sơn trồng cây gai xanh phục vụ Nhà máy sản xuất sợi dệt An Phước (xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thuỷ) từ năm 2021; xã Mường Mìn trồng cây gai xanh tại bản Bơn với diện tích 6,7 ha, trồng vụ xuân năm 2022; xã Sơn Điện trồng cây gai xanh tại bản Nhài với diện tích 2,0 ha trồng vụ xuân 2022.

 

 

Tính đến tháng 5-2022, đã có 6 ha cho thu hoạch, trong đó có 3 ha cho thu hoạch được 3 vụ, 3 ha trồng vào vụ Đông năm 2021 vừa thu hoạch vụ đầu tiên với tổng sản lượng 4,2 tấn vỏ gai khô loại 1, cho tổng thu đạt 197,4 triệu đồng.

Hiện nay đã có 10 ha thực hiện được hỗ trợ 205 triệu đồng để chuyển đổi đất trồng cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây gai, hỗ trợ mua giống, hỗ trợ mua máy tách vỏ. Ngoài ra, công ty An Phước còn hỗ trợ mua giống, phân bón bằng hình thức vay trả chậm, chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật về trồng, chăm sóc, thu hoạch; ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

 

 

Theo đánh giá của địa phương, trung bình sau 3 vụ thu hoạch với điều kiện sản xuất và chăm sóc tốt thì thu nhập từ cây gai sẽ bù đủ chi phí đầu tư ban đầu và cho thu nhập hàng năm đạt 100-120 triệu đồng/năm, bằng 1,5-1,8 lần thu nhập bình quân hàng năm trên 1 ha trồng trọt của huyện, lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt ít nhất 50 triệu đồng/ha/năm.

So sánh với diện tích trồng cây lâu năm đan xen ngắn ngày kém hiệu quả thì thu nhập từ trồng cây gai xanh cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt (thu nhập trung bình trước đây chỉ đạt trung bình 20-25 triệu đồng/ha/năm sau khi trừ chi phí). Ngoài ra, có thể tận dụng các sản phẩm phụ khác từ cây gai, lá gai để chăn nuôi dê, thỏ, nuôi cá. Cùng với đó, cây gai là cây trồng 1 lần cho thu hoạch nhiều năm (7-10 năm) nên khi kết hợp với chính sách hỗ trợ ban đầu của tỉnh, huyện; cơ chế cam kết thu mua sản phẩm phù hợp của công ty, sẽ tạo động lực và tâm lý yên tâm sản xuất cho người dân để mở rộng diện tích trồng.

 

 

Huyện Quan Sơn đang phấn đấu phát triển diện tích vùng nguyên liệu ở các xã Trung Tiến, Trung Thượng, Sơn Điện, Sơn Thuỷ với diện tích 48,5 ha. Trong năm 2022, toàn huyện phấn đấu trồng mới thêm 10 ha diện tích cây gai xanh trên địa bàn huyện, diện tích còn lại tiếp tục thực hiện làm đất đảm bảo chuẩn bị sẵn sàng cho trồng vào ngay vụ xuân đầu năm 2023.

 

Hội nghị đánh giá kết quả phát triển cây gai xanh nguyên liệu trên địa bàn huyện đến tháng 5-2022; bàn nhiệm vụ, giải pháp phát triển trong thời gian tới.

Ngày 19-5, UBND huyện Quan Sơn tổ chức hội nghị đánh giá kết quả phát triển cây gai xanh nguyên liệu trên địa bàn huyện đến tháng 5-2022; bàn nhiệm vụ, giải pháp phát triển trong thời gian tới. Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện đồng thời nêu lên những khó khăn, vướng mắc, cũng như đề xuất giải pháp phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh ở địa bàn.

 

Đồng chí Lương Tiến Thành, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn chủ trì hội nghị đánh giá kết quả phát triển cây gai xanh nguyên liệu trên địa bàn huyện đến tháng 5-2022; bàn nhiệm vụ, giải pháp phát triển trong thời gian tới

Theo đó, huyện Quan Sơn tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo và đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền. Trong đó, quán triệt đến cán bộ, đảng viên về phát triển nông nghiệp nói chung, phát triển diện tích cây gai xanh là một nhiệm vụ trọng tâm, lấy kết quả sản xuất cây gai xanh là một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trên lĩnh vực phát triển nông nghiệp. Các xã xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả phương án, kế hoạch phát triển cây gai xanh hàng năm và từng vụ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách, mục tiêu, hiệu quả của việc phát triển cây gai xanh đến từng cán bộ, đảng viên, tổ chức, các hộ gia đình, cá nhân…

Huyện Quan Sơn tiếp tục rà soát xác định quỹ đất, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tốt kế hoạch phát triển cây gai xanh. Xây dựng phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh gắn với thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả thu nhập trên một diện tích canh tác, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân.

(+84) 988 526 259