Chiều 6/5, tại huyện Cẩm Thủy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội thảo chuyên đề: “Phát triển sản xuất cây gai xanh làm nguyên liệu chế biến sợi phục vụ ngành dệt may tại một số tỉnh phía bắc”.
Tham dự có lãnh đạo một số bộ liên quan, các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh: Nghệ An, Hòa Bình, Điện Biên, Sơn La cùng nông dân trồng gai xanh. Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam dự, chủ trì hội thảo.
Cây gai xanh là một trong những cây công nghiệp tiềm năng, có giá trị kinh tế cao đang được phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới và được triển khai trồng đại trà ở Việt Nam. Hiện có hơn 2.000ha chuyên canh cây gai xanh phân bố ở 14 tỉnh, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến sợi gai tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa có công suất thiết kế 10 nghìn tấn cọc sợi, 1.400 tấn bông gai/năm.
Tham luận, thảo luận tại hội thảo, các đại biểu ghi nhận cây gai xanh phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở nhiều địa phương, cho lợi nhuận cao hơn một số cây trồng khác đứng trên cùng chân đất từ 20 đến 60 triệu đồng/ha/năm, dần khẳng định là cây xóa đói, giảm nghèo, tiến tới khả giả cho các hộ một số tỉnh miền núi phía bắc.
Dù vậy, vùng nguyên liệu gai phân tán, phát triển chậm nên nhà máy mới vận hành 30% công suất thiết kế do nhiều người dân chưa nhận thức rõ những hiệu quả của cây gai xanh; chưa hình thành chuỗi liên kết bền vững trong tổ chức sản xuất, phát triển cây gai xanh; một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quyết liệt lãnh, chỉ đạo phát triển cây gai xanh, hạ tầng vùng nguyên liệu thấp kém, quy trình chăm sóc, thu hoạch, sơ chế cây gai còn thủ công, cơ cấu giống cây gai còn đơn lẻ.
Người trồng cây gai xanh chia sẻ những vấn đề đặt ra, hiệu quả của cây gai xanh, kiến nghị nên hỗ trợ làm đường vào vùng nguyên liệu, nhà máy cam kết thu mua gai nguyên liệu ổn định cho nông dân và phải có định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quy hoạch rõ vùng trồng gai; cơ giới hóa đồng bộ, giảm tổn thất sau thu hoạch.
Các ý kiến còn trao đổi về triển vọng phát triển, xu thế sử dụng các loại sợi, sản phẩm chế biến từ gai xanh và đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương xem đây là cây chủ lực, có cơ chế, chính sách phát triển; thành lập tổ khuyến nông cộng đồng, tăng cường liên kết, hỗ trợ dịch vụ công, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, điều hành, phát triển vùng nguyên liệu; tăng cường liên kết sản xuất, giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích…
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam trao đổi, trước hết phải khẳng định thêm về chuyên môn, hiệu quả, giao Cục Trồng trọt phối hợp các đơn vị, địa phương tiếp tục tổ chức hội thảo chuyên đề sâu về cây gai xanh, tập trung làm rõ các vấn đề về cây giống, quy trình canh tác, hiệu quả kinh tế, đa giá trị của cây gai; xây dựng vùng nguyên liệu gắn liên kết tổ chức sản xuất; giao Trung tâm Khuyến nông quốc gia xây dựng mô hình điểm ở các địa phương, hỗ trợ mỗi tỉnh một mô hình và Tập đoàn An Phước cần chỉ rõ sắp tới sẽ xây dựng thêm nhà máy chế biến sợi ở đâu, gắn với vùng nguyên liệu, ký thỏa thuận với Trung tâm Khuyến nông quốc gia trong xây dựng các mô hình phát triển cây gai xanh.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam còn giao Cục Kinh tế hợp tác phối hợp tỉnh Thanh Hóa xây dựng hợp tác xã trồng gai xanh, xây dựng mô hình cơ giới hóa theo hướng làm dịch vụ; giao Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Văn phòng điều phối nông thôn mới xây dựng sản phẩm OCOP từ cây gai, phát huy, khẳng định hiệu quả đa giá trị của cây gai xanh, bảo đảm vừa mở rộng quy mô chế biến gai vừa mở rộng vùng nguyên liệu, khẳng định hiệu quả đa giá trị của cây gai xanh, tạo niềm tin cho người dân chủ động phát triển cây gai xanh, làm nguyên liệu chế biến sợi, phục vụ ngành dệt may.
Trước đó, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đại biểu đã đi tham quan mô hình trồng cây gai xanh và Nhà máy chế biến cây gai xanh ở xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa.