Tin tức

Cây gai xanh khỏa lấp ‘vùng lõm’ kinh tế Lạc Sơn, Hoà Bình

Lạc Sơn đang gặp nhiều trở ngại trong nông nghiệp khi mía thì rẻ, sắn thì bệnh nhưng nếu có cây gai xanh AP1, ‘vùng lõm’ này sẽ được khỏa lấp

Gai xanh là cây trồng một lần thu hoạch trong 10 năm, đầu tư ít, giá trị kinh tế cao gấp 3 đến 5 lần trồng ngô, cải tạo đất tốt khi 70% sinh khối thân lá cây bỏ lại phân hủy vào đất.

Chung tay

Qua chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn, ông Bùi Văn Khánh, địa phương vẫn là “vùng lõm” nông nghiệp của tỉnh Hòa Bình: “Kinh tế của chúng tôi đa phần là nông lâm nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa phát triển đủ mạnh để tạo thành vùng nguyên liệu”.

Theo ông Khánh, trong những năm qua, ở huyện cũng có 2 nhà máy được thành lập, là nhà máy sắn và nhà máy mía đường. “Dù ban đầu triển khai rầm rộ, quy mô nhưng bây giờ 2 nhà máy đang gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình bao tiêu sản phẩm cho bà con”, Phó Chủ tịch huyện cho biết.

Cụ thể, giá mía đường đã giảm liên tục trong thời gian dài, còn sắn thì nhiễm bệnh khảm lá trên diện rộng đến mức giờ phải bỏ hết mới mong bệnh ngừng lây lan.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn như vậy nhưng thiên nhiên vẫn có những ưu đãi cho Lạc Sơn khi đây là 1 trong 4 huyện có điều kiện tự nhiên trồng được cây gai xanh. Vì vậy, Công ty Cổ phần Nông nghiệp An Phước – Viramie đã tìm về với kỳ vọng xây dựng được vùng nguyên liệu khổng lồ cho nhà máy sản xuất sợi gai của mình.

Ngay trong buổi làm việc đầu tiên với UBND huyện Lạc Sơn, trước sự có mặt của đại diện nhiều xã, hợp tác xã, Phó Giám đốc Viramie, bà Phạm Mỹ Linh đã khẳng định: “Gai xanh có thể chưa phải là cây đem lại thu nhập quá cao cho người nông dân nhưng nó có thể thay thế được những cây trồng kém hiệu quả và đang bị sâu bệnh như ngô, sắn, mía của địa phương”.

Cây gai xanh hiện được trồng phổ biến ở Thanh Hóa, Sơn La, là đối tượng giúp nhiều người dân tộc thiểu số cải thiện kinh tế.

Phó Chủ tịch huyện Bùi Văn Khánh cho biết, trước đây cũng có một số bà con trong huyện trồng cây gai xanh nhưng ở quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình chứ không phải hàng hóa.

Theo bà Linh, cây gai xanh được xác nhận là phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu của Hòa Bình, cụ thể là 4 huyện Lạc Sơn, Yên Thủy, Kim Bôi và Đà Bắc.

Thế nhưng để biến ưu thế tự nhiên trở thành sản phẩm thực tế còn rất nhiều việc phải làm. Vì thế mà trước Tết Nhâm Dần chưa đầy 1 tháng, Viramie tổ chức đoàn công tác tới Tân Lạc để giải đáp những thắc mắc, nghi vấn của địa phương với loại cây này.

Những thắc mắc này thường xoay quanh vấn đề hỗ trợ kỹ thuật, phương thức thu mua, cam kết về giá hay phương hướng phát triển, mở rộng vùng nguyên liệu. Với kinh nghiệm xây dựng vùng nguyên liệu 1.200 ha gai xanh từ Tây Nguyên ra đến Tây Bắc, Viramie đã đưa ra được những câu trả lời rất thuyết phục.

Sự khác biệt của Viramie

Là địa phương có đến 2 nhà máy chế biến nông sản, từng rầm rộ rồi bây giờ chìm xuống nên người dân ở Lạc Sơn không khỏi hoài nghi khi nghe về cây gai xanh. “Sắn rẻ thì cho lợn ăn, mía rẻ thì người ăn nhưng cây gai mà rẻ thì có dùng làm gì được đâu”, một đại diện các hộ nông dân bày tỏ với Viramie.

Hiểu được tâm tư này, bà Phạm Mỹ Linh khẳng định: “Để phát triển vùng nguyên liệu tập trung, chúng tôi sẽ làm việc với đầu mối là các hợp tác xã, các doanh nghiệp trong vùng dưới sự hỗ trợ của địa phương”.

Theo: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

024 35 578 340