Báo chí viết về Viramie

Cây gai xanh là cây gì mà được dự báo rất “hot” trong thời gian tới?

Ngày 6/5, tại huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NNPTNT) phối hợp UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo chuyên đề “Phát triển sản xuất cây gai xanh làm nguyên liệu chế biến sợi phục vụ ngành dệt may tại một số tỉnh phía Bắc”.

Trồng cây gai xanh làm nguyên liệu ngành dệt may: Hướng đi mới

Trước hội thảo, ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NNPTNT cùng các đại biểu đại diện các cơ quan, ban ngành của tỉnh Thanh Hóa và một số địa phương đã đi thăm vùng trồng cây gai xanh nguyên liệu tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy (tỉnh Thanh Hóa) và khu sản xuất giống, Nhà máy sợi dệt An Phước.

Hội thảo phát triển sản xuất cây gai xanh làm nguyên liệu chế biến sợi phục vụ ngành dệt may - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam (thứ 2 từ trái sang), Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh (thứ 2 từ phải sang, hàng đầu) cùng lãnh đạo địa phương thăm khu sản xuất giống cây gai xanh của Công ty CP Nông nghiệp An Phước tại Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Hội thảo tập trung vào các vấn đề chính: Đánh giá tình hình phát triển sản xuất cây gai xanh, những khó khăn vướng mắc và hướng phát triển vùng trồng cây gai xanh làm nguyên liệu chế biến sợi phục vụ ngành dệt may ở một số tỉnh phía Bắc; Giới thiệu mô hình liên kết sản xuất cây gai xanh làm nguyên liệu cho nhà máy chế biến sợi. Trao đổi, thảo luận về các biện pháp nhằm định hướng phát triển sản xuất cây gai xanh làm nguyên liệu chế biến sợi theo hướng hàng hóa tập trung…

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Đức Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã khái quát tình hình phát triển kinh tế – xã hội cũng như tiềm năng phát triển cây gai xanh tại tỉnh Thanh Hóa.

Theo đó, năm 2016, Tập đoàn An Phước – Viramie đã đưa vào khảo nghiệm giống gai xanh AP1 tại địa phương. Ngay từ lúc đưa vào khảo nghiệm đã cho thấy đây là cây trồng khá phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu tại Thanh Hóa, có hiệu quả nhiều mặt cả về kinh tế, môi trường, có tiềm năng phát triển với quy mô lớn, gắn chặt chẽ với chế biến và tiêu thụ.

Hội thảo phát triển sản xuất cây gai xanh làm nguyên liệu chế biến sợi phục vụ ngành dệt may - Ảnh 2.

Đoàn thăm nhà máy sợi dệt An Phước tại Thanh Hóa. Ảnh: Hoài Thu

Đến tháng 10/2020, nhà máy chế biến sợi gai với tổng mức đầu tư 628 tỷ đồng đã chính thức khánh thành, đi vào hoạt động với công suất 10.000 tấn cọc sợi, 1.400 tấn bông gai/năm. Với công suất chế biến trên, nhu cầu nguyên liệu phải có khoảng 15.000 tấn sợi gai khô/năm, tương ứng vùng nguyên liệu phải duy trì trên 6.000 ha, trọng điểm tập trung tại Thanh Hóa.

Vì vậy, theo đề xuất tham mưu của Sở NNPTNT, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã phê duyệt Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ nhà máy sợi dệt tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thuỷ.

Tổng số huyện được tham gia phát triển gai nguyên liệu hiện nay là 18 huyện, tổng quỹ đất xác định phù hợp và chuyển sang trồng gai xanh nguyên liệu là 6.457 ha.

Quy hoạch vùng trồng gai xanh để tránh tình trạng cung vượt cầu

Theo số liệu thống kê, tính đến hết 25/4/2022, diện tích trồng gai xanh trên địa bàn tỉnh đạt 703 ha, đạt trên 10% kế hoạch tổng diện tích. Cây gai xanh đã được trồng tại 16/18 huyện trong phạm vi đề án xác định.

Dự kiến từ năm 2023 trở đi, diện tích trồng cây gai xanh hàng năm tăng thêm 1.500 ha. Đến năm 2025, diện tích cây gai xanh đạt khoảng 6.500ha, đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ Nhà máy dệt sợi An Phước.

Hội thảo phát triển sản xuất cây gai xanh làm nguyên liệu chế biến sợi phục vụ ngành dệt may - Ảnh 3.

Toàn cảnh hội thảo

Đã có những hộ gia đình trồng gai xanh tại một số huyện như Cẩm Thủy, Thạch Thành, Hoằng Hóa cho thu hoạch 5 lần/năm, năng suất bình quân đạt 800 – 1.000 kg/lần thu hoạch, sản lượng đạt từ 4.000 – 5.000 kg/ha, lợi nhuận đạt 135 – 150 triệu đồng/ha/năm.

Việc tổ chức hội thảo phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh, là cơ hội để tỉnh Thanh Hóa được chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức khoa học kỹ thuật, phương pháp tổ chức sản xuất; giúp cho các cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, nông dân có định hướng, giải pháp hiệu quả trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra đối với phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh cũng như phát triển nông nghiệp nói chung.

Tại hội thảo, đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn trình bày tham luận xây dựng chuỗi giá trị phát triển sản xuất cây gai xanh phục vụ ngành dệt truyền thống; đại diện các Sở NNPTNT tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An trình bày các tham luận thực trạng và định hướng phát triển cây gai xanh làm nguyên liệu sợi dệt tại các địa phương.

Hội thảo phát triển sản xuất cây gai xanh làm nguyên liệu chế biến sợi phục vụ ngành dệt may - Ảnh 4.

Đại diện Công ty CP Nông Nghiệp An Phước phát biểu tại hội thảo.

Đại diện Công ty CP Nông nghiệp An Phước – Viramiet trình bày các tham luận phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ ngành công nghiệp diệt may và cơ hội cho người nông dân; giới thiệu về giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến cây gai xanh; thông tin một số giống gai phổ biến trong sản xuất…

Tham gia thảo luận tại hội thảo, bà Phạm Thị Thanh (người dân thôn Cẩm Hoa, xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy) chia sẻ về kinh nghiệm trồng cây gai xanh.

Bà Thanh cho biết, năm 2018, gia đình bà quyết định trồng thử 1ha cây gai xanh. Thời điểm ban đầu rất khó khăn do chưa có kinh nghiệm, cũng như chưa nắm chắc về kỹ thuật trồng. Tuy nhiên, được cán bộ khuyến nông địa phương giúp đỡ từng bước một, bà có động lực để tiếp tục phát triển sản xuất.

Hội thảo phát triển sản xuất cây gai xanh làm nguyên liệu chế biến sợi phục vụ ngành dệt may - Ảnh 5.

Ông Lê Đức Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội thảo.

“Sau khi trồng thấy có hiệu quả, kinh tế gia đình đi lên tôi cũng rất mừng, đến nay, tổng diện tích mà gia đình tôi trồng trên 19,2ha, đầu tư hàng tỷ đồng. Về ưu điểm khi trồng cây gai xanh là cây rất dễ phát triển, ít sâu bệnh mà hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần trồng các loại cây khác. Trong tương lai, gia đình tôi dự kiến sẽ mở rộng diện tích” – bà Thanh chia sẻ.

Ông Vương Đắc Hùng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hoà Bình đề xuất việc đưa cơ giới hoá vào sản xuất cây gai xanh; đưa công nghệ sấy vào thu hoạch trong mùa mưa và phải có định hướng phát triển để người dân và doanh nghiệp đồng hành phát triển…

Ngoài ra, Công ty An Phước phải chọn một số tỉnh trồng cây xanh để tránh tình trạng cung vượt cầu nếu các tỉnh đổ xô vào trồng và công bố các quy hoạch các nhà máy và vùng nguyên liệu để bà con đều biết…

Hội thảo phát triển sản xuất cây gai xanh làm nguyên liệu chế biến sợi phục vụ ngành dệt may - Ảnh 6.

Ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NNPTNT phát biểu kết luận hội thảo

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đã có một số định hướng để phát triển cây gai xanh như: Giao Cục trồng trọt và các đơn vị chuyên môn tiếp tục có hội thảo chuyên môn để có các định hướng cụ thể giống, vùng canh tác và hiệu quả kinh tế.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Nhà máy sợi dệt An Phước xây dựng đề án phát triển cây gai xanh nguyên liệu để hỗ trợ cho các tỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu của nhà máy. Đồng thời, phối hợp với tỉnh Thanh Hóa xây dựng thí điểm mô hình HTX dịch vụ và mô hình sản xuất áp dựng cơ giới hóa đồng bộ theo hướng làm dịch vụ. Nghiên cứu với các địa phương xây dựng các sản phẩm OCOP làm từ nguyên liệu cây gai xanh…

Giao Cục Kinh tế hợp tác phối hợp với các Sở NNPTNT xây dựng các hợp tác xã và các mô hình cơ giới hóa sản xuất theo hướng dịch vụ; phối hợp với Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới xây dựng các sản phẩm OCOP từ sản phẩm cây gai xanh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

024 35 578 340