Chia sẻ kiến thức

Cây gai xanh AP1 chinh phục đất bãi bồi

Khác với địa hình dốc như ở Thanh Hóa, Hòa Bình…, cây gai xanh AP1 cần những kỹ thuật canh tác đặc biệt để phát triển được ở đất bãi bồi của Phú Thọ.

Quy trình kỹ thuật để chinh phục đất bãi

Nếu như cây gai xanh AP1 trồng ở các khu vực đất đồi dốc ở Hòa Bình, Thanh Hóa, Sơn La, Điện Biên… chỉ cần canh tác đơn giản đã phát triển rất tốt thì ở vùng đất bãi ven sông ở Phú Thọ phải có sự chăm sóc, chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Đổi lại, đất bãi ở Phú Thọ rất màu mỡ, có địa hình bằng phẳng, dễ canh tác, thu hoạch và vận chuyển.

 Cây gai xanh AP1 (trung tâm ảnh) được trồng thành công ở vùng đất bãi huyện Thanh Ba, Phú Thọ. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ, hiện nay đa số diện tích gai xanh AP1 của tỉnh đều được trồng trên đất bãi. Đặc điểm của khu vực này là trũng, mực nước ngầm cao nên ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng, năng suất và chất lượng vỏ gai.

Có những khu vực cây gai đã trồng được 3 năm nhưng không có củ, rễ có màu đen, thân cây nhỏ, lá bị vàng và rụng nhiều, cây có biểu hiện thiếu dinh dưỡng.

Bên cạnh đó, do thời tiết bất thuận, từ tháng 3 cho đến nay tại Phú Thọ mưa nhiều, nắng ít, làm cho cây ban ngày quang hợp kém, không tích lũy được chất hữu cơ. Chưa kể, ban đêm nhiệt độ, độ ẩm cao, quá trình hô hấp xảy ra mạnh làm cho cây giải phóng nhiều năng lượng cần thiết cho các hoạt động sống. Vì thế chất lượng vỏ gai trồng tại Phú Thọ giảm rõ rệt.

Đặc biệt, thời tiết mưa nhiều, ảnh hướng nghiêm trọng đến bộ rễ, khi nhổ lên bộ rễ chỉ ăn nông trên mặt đất. Nhiều cây có phần rễ bị hỏng lông hút, thối củ nên không cung cấp được nước và dinh dưỡng cho mầm đang mọc, dẫn đến cây chết nếu không phục hồi được bộ rễ.

Theo bà Phạm Mỹ Linh, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp An Phước (thuộc Tập đoàn An Phước Viramie), để khắc phục tình trạng này, trước hết khi xảy ra ngập úng, hỏng rễ cần phải phát bỏ, cải tạo đất để trồng lại từ đầu. Ví dụ, có thể đào mương xung quanh ruộng để hạ mực nước ngầm.

Cụ thể, khoảng 3.000m2 sẽ đào 1 mương xung quanh với kích thước rộng 1m, sâu 1,5m. Lưu ý, đào mương cần có lối thoát nước để khi trời mưa to, nước mương không được tràn lên ruộng gai. Với những ruộng trồng theo băng dài, khoảng 300m đào 1 mương rộng 1m, sâu 1,5m cắt giữa các băng.

Với những ruộng đã trồng lâu năm, để tránh ngập úng cần lên luống và phủ đất vào gốc cây.

Các ruộng gai ở khu vực đất bãi được đánh luống, đào rãnh tránh ngập úng. Ảnh: Tùng Đinh.

“Khi cây trồng lâu năm, luống gai gần như bị san phẳng và bà con có xu hướng để luống dài, ảnh hưởng đến khả năng thoát nước và dễ bị ngập úng cục bộ, do đó cần đào rãnh, lên luống cho gai”, ông Trần Văn Quyết, Trưởng phòng Tư vấn dịch vụ (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Thọ) cho biết và lưu ý thêm, khi làm rãnh thoát nước cần đánh dốc về phía mương thoát nước.

Về đánh luống, ông Quyết khuyến cáo cần có độ cao 30 – 35cm, dài từ 30 – 35m, phân chia bằng những rãnh ngang rộng 60 – 70cm, sâu 40cm.

Bên cạnh đó, bà con trồng gai ở đất bãi cần làm cỏ, tỉa mầm và phun phân kích rễ để phục hồi lông hút cho những diện tích bị ngập úng cục bộ.

Trồng dặm và bón phân cho gai đất bãi

Ngoài lên luống và đào rãnh, cán bộ kỹ thuật của Tập đoàn An Phước Viramie cho biết người dân có thể loại bỏ những cây gai không thể phục hồi sau ngập úng. Tiếp theo, tách thân cây khỏe cùng độ tuổi ở nơi không bị ngập để trồng dặm giúp mật độ cây được đồng đều.

Về phân bón, tỷ lệ được phía Tập đoàn An Phước Viramie đưa ra là 500kg vôi, 500kg lân và 200kg NPK 15-10-15 cho mỗi ha gai trồng ở khu vực đất bãi.

Với vôi và lân, khi đất khô, cho làm cỏ, xới xáo và bón cách xa gốc 10cm, lấp kín vôi và lân để kích thích cây ra rễ tơ, cải tạo bộ rễ cho cây có thể hấp thu được dinh dưỡng

Sau khi bón lân và vôi 15 – 20 ngày, cây đã ra rễ tơ, có thể hút được dinh dưỡng từ đất, tiến hành bón NPK 15-10-15, bón cách gốc 6 – 10 cm.

Đưa năng suất trở lại tốp đầu

Là người đầu tiên đưa cây gai xanh AP1 về Phú Thọ để trồng, ông Lê Minh Chiến, Giám đốc HTX Gai Cường Thịnh cho biết, do gia đình có khoảng 5 – 6ha đất canh tác không hiệu quả nên ông đã liên hệ với Tập đoàn An Phước Viramie để đi tìm hiểu, học hỏi mô hình trồng gai ở Thanh Hóa.

Cán bộ kỹ thuật của khuyến nông huyện, tỉnh chia sẻ kỹ thuật trồng và sơ chế gai xanh AP1 cho bà Trần Thị Việt (áo khoác tím) tại xã Xuân An, huyện Yên Lập, Phú Thọ. Ảnh: Tùng Đinh.

“Sau khi tìm hiểu, tôi đã bắt tay và phối hợp với An Phước trồng gai tại huyện Thanh Ba (Phú Thọ) từ cuối năm 2018, đầu năm 2019”, ông Chiến cho biết. Theo ông, những năm đầu năng suất và chất lượng của gai AP1 tại Phú Thọ đều đứng tốp đầu cả nước, nhưng sau đó bị giảm xuống do không mở rộng được diện tích, cây trồng mới nên chưa thu hút được nhiều người dân tham gia.

Hiện nay, HTX của ông có 7 thành viên chính và liên kết với nhiều bà con trồng gai khác trong tỉnh, tổng diện tích lên đến gần 100ha, trải rộng ở các huyện như Thanh Ba, Hạ Hòa, Đoan Hùng, Tam Nông, Tân Sơn, Thanh Thủy, Yên Lập.

“Đây là loại cây có giá trị kinh tế cao, gấp 2 – 3 lần so với lúa, có thể trồng 1 lần, thu 10 năm, mỗi năm có thể thu 4 – 5 lần. Hiện nay, mỗi ha gai trừ chi phí có thể thu lợi nhuận 70 – 80 triệu/năm”, Giám đốc HTX Gai Cường Thịnh thông tin thêm.

Điều ông Chiến đang quan tâm hiện nay là làm thế nào để thu hút được thêm nhiều bà con tham gia vào trồng gai AP1, đưa năng suất, chất lượng của sản phẩm này ở Phú Thọ trở lại tốp đầu.

Về phía các cơ quan quản lý, ông Trần Văn Quyết cho biết, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Thọ đang triển khai các mô hình tại những khu vực đất đồi thấp và đất bãi, tập trung tại 2 huyện Yên Lập và Tân Sơn.

Từ dưới lên là các diện tích trồng gai xanh AP1, chuối và ngô trên cùng khu vực đất bãi ở huyện Thanh Ba, Phú Thọ. Ảnh: Tùng Đinh.

“Cây gai là đối tượng dễ trồng, ít sâu bệnh nên bà con dễ tiếp cận và có khả năng mở rộng được diện tích trong thời gian tới. Chúng tôi sẽ sớm đánh giá kết quả của các mô hình, đặc biệt là ở khu vực đất bãi trước khi nhân rộng”, ông Quyết chia sẻ.

Mặc dù đã được ngành nông nghiệp quan tâm, đầu tư sản xuất nhưng gai xanh AP1 vẫn là đối tượng cây trồng mới. Do đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với Tập đoàn An Phước Viramie cũng như HTX Gai Cường Thịnh để có thể tạo ra chuỗi liên kết sản xuất, khi đó các bên có thể hỗ trợ nhau về giống, vật tư đầu vào… Đổi lại là những cam kết bao tiêu, bán sản phẩm giữa HTX với doanh nghiệp.

Cũng theo ông Lê Minh Chiến, khó khăn hiện nay với cây gai xanh AP1 ở Phú Thọ là diện tích manh mún khiến chi phí sản xuất tăng, thứ hai là giống cây mới nên nhiều bà con chưa đảm bảo được chất lượng như phía Tập đoàn An Phước Viramie yêu cầu.

Điều này cũng được bà Trần Thị Việt tại xã Xuân An, huyện Yên Lập, người mới trồng gai từ năm 2022 bày tỏ sự đồng thuận. Theo bà Việt, mặc dù dễ trồng và không cần nhân công chất lượng cao nhưng khó khăn hiện nay là nguồn vốn và khả năng mở rộng diện tích.

Cây gai xanh AP1 ngày càng khẳng định được lợi thế ở Phú Thọ. Ảnh: Tùng Đinh.

“Gia đình tôi đã đầu tư trồng 4ha gai xanh AP1 từ năm nay, bây giờ đã cho thu vụ đầu tiên. Tuy nhiên, để tăng cường hiệu quả với loại cây này, chúng tôi rất mong muốn được chính quyền hỗ trợ để có thêm diện tích trồng gai, ngoài ra các ban, ngành cần có chính sách cụ thể để hỗ trợ về vốn, giải quyết khâu đầu tư ban đầu”, bà Trần Thị Việt chia sẻ.

Theo nữ nông dân này, hiện nay ngoài sự hỗ trợ về kỹ thuật của các chuyên viên khuyến nông huyện, tỉnh, bà còn được đầu tư 50% giá trị cây giống và 50% giá trị lượng phân vi sinh bón cho 4ha của gia đình.

 

(+84) 988 526 259