Vĩnh Phúc: Triển vọng kinh tế từ trồng cây gai xanh ở Đồng Ích
Với ưu điểm trồng một lần, nhanh cho thu hoạch và khai thác trong nhiều năm, cùng đầu ra cho sản phẩm ổn định, mô hình trồng cây gai xanh của gia đình ông Phạm Ngọc Tấn, xã Đồng Ích (Lập Thạch) bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiếp thêm động lực cho người dân trong xã Đồng Ích mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Sau khi nghỉ hưu, thay vì nghỉ ngơi, hưởng thụ tuổi già như bao người, ông Phạm Ngọc Tấn vẫn giữ được tinh thần làm việc hăng say. Được sự ủng hộ của gia đình, năm 2022, ông Tấn đã thuê lại 4 ha đất ruộng, bắt tay khởi nghiệp.
Sau khi đi tham quan học tập mô hình của HTX Sản xuất và Dịch vụ thương mại Tiến Mai, phường Định Trung (Vĩnh Yên) và được HTX cam kết bao tiêu đầu ra, ông Tấn quyết định lựa chọn cây gai xanh trở thành cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế gia đình và đưa vào trồng thử nghiệm và 1,5 ha.
Ông Tấn cho biết: “Cây gai xanh là loài cây có giá trị sử dụng cao. Vỏ của thân cây được chế biến thành sợi dệt vải chất lượng tốt; lá được sử dụng làm bánh gai, tách chiết lấy tinh dầu, sản xuất chất màu tự nhiên phục vụ cho ngành công nghiệp thực phẩm… ngoài ra, đây cũng là giống cây dễ chăm sóc, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh”.
Do phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng khí hậu và được chăm sóc đúng quy trình, sau khi bén rẽ trên đồng đất Đồng Ích, cây gai xanh của gia đình ông Tấn sinh trưởng phát triển tốt và cho thu hoạch chỉ sau vài tháng.
Dù vậy, cũng như bao câu chuyện khởi nghiệp khác, khi lần đầu thử sức với một giống cây trồng mới, ông Tấn cũng gặp không ít khó khăn. Do còn thiếu kinh nghiệm trong khâu thu hoạch, nên lứa đầu tiên, sản lượng sợi khô đạt thấp, chỉ khoảng 3 tạ/ha.
Trước tình hình đó, ông Tấn đã thuê một số lao động có kinh nghiệm ở huyện Yên Lạc, Tam Đảo về làm, đồng thời hướng dẫn cho lao động địa phương trong việc thu hoạch, tuốt vỏ. Sang đến đợt thu hoạch thứ 2, sản lượng sợi khô từ cây gai xanh của gia đình ông Tấn tăng lên gấp đôi, đạt gần 6 tạ/ha.
Vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, chỉ với 2 đợt thu đầu tiên, ông Tấn đã yên tâm về năng suất cũng như hiệu quả kinh tế mà cây gai xanh đem lại.
Ông Tấn cho hay: “Càng về sau, sản lượng sẽ càng tăng lên, có thể đạt và vượt 1 tấn sợi khô/ha mỗi đợt thu hoạch”. Đặc biệt, thông qua việc ký kết hợp đồng về bao tiêu sản phẩm với HTX Sản xuất và Dịch vụ thương mại Tiến Mai với giá bán 40 nghìn đồng/kg, dự kiến, 1ha cây gai xanh có thể đem lại cho ông Tấn khoản thu nhập gần 200 triệu đồng/năm, vượt xa so với trồng lúa, ngô thông thường.
Không chỉ vậy, cây gai xanh còn có ưu điểm nổi bật là chỉ cần trồng một lần là có thể thu hoạch trong vòng 5 đến 10 năm; mỗi năm có thể thu hoạch từ 5- 6 đợt. Do đó, người trồng chỉ phải đầu tư 1 lần, tiết kiệm được nhiều chi phí cho cây giống, làm đất và công gieo trồng.
Chưa kể, trong trường hợp cây đổ gãy do gặp thời tiết khắc nghiệt như mưa đá, gió lốc…, bà con cũng chỉ cần chặt đi, cây lại mọc tiếp mà không cần trồng lại như một số cây trồng khác.
Với những ưu điểm nổi bật cùng giá trị kinh tế cao, thời gian tới, ông Tấn tiếp tục quy hoạch lại đồng ruộng, đầu tư hệ thống nước tưới, trồng thêm 1 ha cây gai xanh. Ngoài ra, ông sẽ đưa vào trồng thêm một số cây dược liệu và cây nông nghiệp khác như cây ba kích, mía… nhằm tận dụng tối đa diện tích, phủ xanh đất trống.
Sự chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh nói riêng và cây dược liệu nói chung theo hướng liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp từ mô hình của ông Tấn đã và đang mở ra hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp ở Đồng Ích, tiếp thêm động lực cho bà con địa phương trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Bài, ảnh: Báo Vĩnh Phúc