Hiệu quả các mô hình trồng cây gai xanh
Năm 2016, Trung tâm Khuyến nông quốc gia kết nối với Tập đoàn An Phước – Viramie đã đưa vào khảo nghiệm giống gai xanh AP1 tại huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Ngay từ lúc đưa vào khảo nghiệm đã cho thấy đây là cây trồng khá phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu tại Thanh Hóa, có hiệu quả nhiều mặt cả về kinh tế, môi trường, có tiềm năng phát triển với quy mô lớn, gắn chặt chẽ với chế biến và tiêu thụ.
Để giúp người dân nâng cao thu nhập, trong giai đoạn 2016-2021 huyện Cẩm Thủy đã phối hợp Công ty CP Nông nghiệp An Phước – Viramie thực hiện mô hình trồng cây gai xanh và xây dựng nhà máy trên địa bàn xã Cẩm Tú để phát triển vùng nguyên liệu.
Báo cáo của UBND huyện Cẩm Thủy cho thấy, hiện trên địa bàn có khoảng 20 hộ trồng cây gai xanh với tổng diện tích khoảng 72ha. Loài cây này cho hiệu quả kinh tế cao hơn các cây trồng khác trên cùng chân đất và là cây lưu gốc thời gian dài bình quân khoảng 10 năm, chí phí đầu tư thấp, năng suất cây gai những năm sau cao hơn những năm đầu tiên.
Tại Thanh Hóa, dự kiến từ năm 2023 trở đi, diện tích trồng cây gai xanh hàng năm tăng thêm 1.500 ha. Đến năm 2025, diện tích cây gai xanh đạt khoảng 6.500ha, đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ Nhà máy dệt sợi An Phước.
Là một trong những hộ trồng cây gai xanh quy mô lớn của huyện Cẩm Thủy, bà Phạm Thị Thanh (thôn Cẩm Hoa, xã Cẩm Tú) cho biết, gia đình bà trồng cây gai xanh cho Công ty An Phước từ năm 2016.
Nếu như năm đầu tiên bà mới trồng thử 1ha vì lo chi phí cao và không có đầu ra, thì đến nay, nhận thấy lợi nhuận cao nên bà đã mở rộng diện tích lên 19,2ha.
Theo bà Thanh, ưu điểm khi trồng cây gai xanh là cây rất dễ phát triển, ít sâu bệnh. Nếu trồng đúng kỹ thuật thì sau 75 ngày có thể thu hoạch vụ đầu tiên, sau đó chặt sát gốc, cây mọc lại và có thể thu hoạch vụ thứ 2 sau 45 ngày, chiều cao của cây lúc thu hoạch gần 2,5m.
Cây gai xanh cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần trồng các loại cây khác. Vỏ cây gai được dùng làm nguyên liệu sản xuất vải, lá cây thể làm bánh gai, thân có thể làm nấm, mộc nhĩ, phân vi sinh. Giá thu mua vỏ khô loại 1 là 47.000 đồng/kg và loại 2 là 42.000 đồng/kg, loại 3 là 35.000 đồng/kg.
Bình quân một năm cây gai xanh cho thu hoạch 4 – 5 lứa với năng suất một lứa từ 20-25 tấn/ha, cho thu nhập bình quân từ 50-80 triệu đồng/ha/năm.
Gia đình anh Nguyễn Đình Hùng (đội 8, xã Cẩm Tú) cũng là một trong những hộ tham gia trồng cây gai xanh đạt hiệu quả.
Anh Hùng cho biết, trước đây anh đi làm ăn xa, năm 2016 nghe tin huyện Cẩm Thủy có chủ trương phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh nên anh quyết định về quê lập nghiệp. Thông qua sự đấu mối của cán bộ khuyến nông, anh được cung cấp giống trồng cây gai, phân bón, hỗ trợ tiền chuyển đổi cây trồng 3 triệu đồng.
Ngay sau đó, anh Hùng và Công ty CP Nông nghiệp An Phước – Viramie ký hợp đồng 5 năm. Anh được công ty hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng cây gai xanh và bao tiêu đầu ra trên diện tích 0,67ha. Nhờ kiên trì chăm sóc nên các ruộng cây gai xanh đều phát triển tốt, mỗi năm anh thu hoạch được 4 vụ, thu nhập bình quân khoảng 60 triệu/năm.
Hướng đi mới trong trồng cây gai xanh
Tại hội thảo, các ý kiến phát biểu đã xác định cây gai xanh là một trong những cây công nghiệp tiềm năng, có giá trị kinh tế cao, đang được phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Tại Việt Nam hiện có gần 2.000ha chuyên canh cây gai xanh phân bố ở một số tỉnh như: Thanh Hóa, Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên… cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến sợi gai tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, có công suất thiết kế 10.000 tấn cọc sợi, 1.400 tấn bông gai/năm.
Riêng tại Thanh Hóa, hiện đã quy hoạch diện tích trồng cây gai xanh cho nhà máy của An Phước tại 18 huyện, tổng quỹ đất xác định phù hợp và chuyển sang trồng gai xanh nguyên liệu là 6.457ha. Đến nay, cây gai xanh đã được trồng tại 16/18 huyện trong phạm vi đề án xác định với diện tích 703ha, đạt trên 10% kế hoạch tổng diện tích.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đề nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Nhà máy sợi dệt An Phước xây dựng đề án phát triển cây gai xanh nguyên liệu để hỗ trợ cho các tỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu của nhà máy.
Đồng thời, phối hợp với tỉnh Thanh Hóa xây dựng thí điểm mô hình HTX dịch vụ và mô hình sản xuất áp dựng cơ giới hóa đồng bộ theo hướng làm dịch vụ.
Giao Cục Trồng trọt và các đơn vị chuyên môn tiếp tục có hội thảo chuyên môn để có các định hướng cụ thể giống, vùng canh tác và hiệu quả kinh tế. Giao Cục Kinh tế hợp tác phối hợp phối hợp với Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới xây dựng các sản phẩm OCOP từ sản phẩm cây gai xanh…