Thực hiện kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh trên địa bàn, tỉnh ta phấn đấu đến năm 2025, diện tích trồng cây gai xanh của toàn tỉnh đạt 6.457 ha, năng suất bình quân 110 tấn gai tươi/ha/năm, tổng sản lượng trên 700.000 tấn/năm và ổn định đến năm 2030, cơ bản đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho nhà máy sợi dệt tại xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy).
Lộ trình phát triển vùng trồng cây gai xanh nguyên liệu bắt đầu được thực hiện từ năm 2018. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân chủ quan và khách quan, nên tiến độ mở rộng diện tích chậm so với kế hoạch. Đến tháng 2-2021, diện tích trồng cây gai xanh của toàn tỉnh mới có 154 ha, đạt 5% kế hoạch. Vì vậy, để tạo động lực cho các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân trồng, phát triển diện tích cây gai xanh nguyên liệu, ngày 26-4-2021, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị Quyết số 385/2021/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cây gai xanh nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2023.
Theo đó, nghị quyết đã ban hành 3 chính sách hỗ trợ, gồm: Hỗ trợ một lần chi phí chuyển đổi trồng cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh nguyên liệu, với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/ha. Hỗ trợ một lần chi phí mua giống cây gai xanh, với mức hỗ trợ 50% chi phí mua giống cây gai xanh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận lưu hành, nhưng tối đa không quá 10 triệu đồng/ha đối với doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và không quá 1 triệu đồng/0,1 ha đối với hộ gia đình, cá nhân trồng cây gai xanh. Hỗ trợ chi phí mua máy tước vỏ cây gai xanh đối với doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác có diện tích trồng cây gai xanh từ 5 ha đến 10 ha được hỗ trợ mua 1 máy; từ 11 ha trở đi, cứ trồng tăng thêm được 5 ha thì được hỗ trợ mua thêm 1 máy. Đối với hộ gia đình, cá nhân có diện tích trồng cây gai xanh từ 1 ha đến 5 ha thì được hỗ trợ mua 1 máy; từ 6 ha trở đi, cứ trồng tăng thêm 5 ha thì được hỗ trợ mua thêm 1 máy. Mức hỗ trợ chi phí mua máy tước vỏ cây gai xanh là 5 triệu đồng/1 máy.
Ngoài chính sách của tỉnh, Công ty CP Nông nghiệp An Phước – Viramie cũng có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mở rộng diện tích trồng cây gai xanh nguyên liệu, cụ thể: Giảm 33,3% tiền giống, tương đương với 400 đồng/1 cây giống. Chính sách hỗ trợ trả chậm tiền mua giống và mua máy tước vỏ cây gai xanh. Ngoài ra, công ty còn có chính sách thưởng khuyến khích cho đơn vị, cá nhân có thành tích cao trong phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh AP1 và đầu tư thâm canh năng suất cao.
Hàng loạt chính sách của tỉnh và của doanh nghiệp được ban hành và triển khai thực hiện đã và đang tạo động lực lớn cho bà con nông dân các huyện mở rộng diện tích trồng cây gai xanh. Ông Phạm Bá Ngọc, xã Thạch Quảng (Thạch Thành) cho biết: Năm 2021, được cán bộ UBND xã Thạch Quảng tuyên truyền, vận động về chủ trương, chính sách hỗ trợ của tỉnh, của doanh nghiệp về phát triển diện tích trồng cây gai xanh đã tạo động lực cho gia đình ông trồng mới được 4,8 ha cây gai xanh. Hiện tại, gia đình ông đang được UBND xã hướng dẫn làm hồ sơ thủ tục để được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của năm 2021.
Được biết, năm 2021, UBND huyện Thạch Thành được UBND tỉnh giao chỉ tiêu trồng mới 46,6 ha cây gai xanh. Thực hiện kế hoạch tỉnh giao, ngay từ đầu năm 2021, huyện Thạch Thành đã rà soát, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng xã, thị trấn. Phối hợp với Công ty CP Nông nghiệp An Phước – Viramie tổ chức các buổi tập huấn, phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây gai xanh. Đồng thời, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân mở rộng diện tích trồng cây gai xanh. Năm 2021, toàn huyện trồng mới được 40,27 ha. Hiện, chính quyền các địa phương và bà con nông dân trên địa bàn huyện đang tập trung thực hiện kế hoạch mở rộng diện tích trồng cây gai xanh năm 2022.
Theo đánh giá của đồng chí Trần Bá Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành: Chính sách hỗ trợ của tỉnh và của doanh nghiệp đã và đang tạo động lực lớn cho Nhân dân huyện Thạch Thành trong việc phát triển, mở rộng diện tích trồng cây gai xanh nguyên liệu. Theo quy định, năm 2021, huyện có 38,14 ha cây gai xanh được trồng mới đủ điều kiện để nhận hỗ trợ giống; 15 máy tước vỏ và cây gai xanh đủ điều kiện nhận hỗ trợ từ chính sách mua máy. Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi cho người dân trồng cây gai xanh nguyên liệu, hiện huyện đang phối hợp với doanh nghiệp và các sở, ngành liên quan để hoàn thiện thủ tục, hồ sơ đề nghị được nhận nguồn hỗ trợ của năm 2021.
Là địa phương có nhà máy sản xuất sợi dệt đóng chân trên địa bàn, nên huyện Cẩm Thủy đã đi trước đón đầu trong phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho nhà máy. Theo đó, từ năm 2018, huyện Cẩm Thủy đã chỉ đạo các xã, thị trấn vận động Nhân dân tiến hành trồng cây gai xanh nguyên liệu. Tuy nhiên, tính đến hết năm 2020, toàn huyện mới phát triển được hơn 70 ha. Bước sang năm 2021, hàng loạt các chính sách hỗ trợ của tỉnh và doanh nghiệp được ban hành và triển khai thực hiện. Huyện cũng có cơ chế hỗ trợ 3 triệu đồng/ha đối với diện tích cây gai xanh được trồng mới đã và đang tạo động lực, giúp các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong huyện tăng nhanh diện tích trồng cây gai xanh. Ngay năm đầu tiên chính sách được triển khai thực hiện, diện tích cây gai xanh được trồng mới trên địa bàn huyện đạt 196,1 ha, cao gần gấp 3 lần so với 3 năm trước đó. Huyện Cẩm Thủy đang kỳ vọng, năm 2022 này, chính sách hỗ trợ sẽ tiếp tục tạo động lực để huyện đạt được mục tiêu trồng mới 300 ha cây gai xanh nguyên liệu.
Để bảo đảm quyền lợi và tạo động lực cho Nhân dân mở rộng diện tích trồng cây gai xanh nguyên liệu, hiện tại, huyện Cẩm Thủy đang hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ để các tập thể, hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện được nhận kinh phí hỗ trợ theo quy định. Tuy nhiên, hiện nay, việc thẩm định nội dung hỗ trợ kinh phí chuyển đổi trồng cây lâu năm sang trồng cây gai xanh của huyện đang gặp một số khó khăn, vướng mắc, do đa số nguồn gốc sử dụng đất của đất đang trồng cây lâu năm kém hiệu quả chuyển sang trồng cây gai xanh của các hộ gia đình là đất ở nông thôn, đất trồng cây hàng năm khác, đất rừng sản xuất, đất trồng lúa… Vì vậy, huyện đang đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét hướng dẫn cụ thể đối với nội dung này, bảo đảm quyền lợi cho người dân.
Theo tính toán của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, nguồn vốn đầu tư ban đầu cho 1 ha trồng mới cây gai xanh nguyên liệu tại thời điểm hiện tại khoảng 70 triệu đồng. Trong khi đó, nếu bảo đảm đủ các điều kiện để được hưởng toàn bộ chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 385/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và của doanh nghiệp thì 1 ha sẽ nhận được số tiền hỗ trợ lên 58 triệu đồng. Như vậy, người đầu tư trồng gai xanh chỉ bỏ ra chi phí đầu tư ban đầu khoảng 12 triệu đồng/ha. Đối với những huyện có cơ chế hỗ trợ riêng thì mức đầu tư này còn thấp hơn nữa. Con số này đủ để thấy động lực từ các chính sách hỗ trợ trong việc phát triển diện tích cây gai xanh nguyên liệu.
Được biết, năm 2021, UBND tỉnh đã phê duyệt phân bổ 7.236 triệu đồng cho 13 huyện thực hiện chính sách phát triển cây gai xanh nguyên liệu trên địa bàn tỉnh năm 2021. Trong đó, hỗ trợ chuyển đổi trồng cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh nguyên liệu là 1.616 triệu đồng; hỗ trợ mua giống cây gai xanh 4.385 triệu đồng; hỗ trợ mua máy tước vỏ cây gai xanh 1.035 triệu đồng; kinh phí quản lý chương trình là 200 triệu đồng.
Để chính sách hỗ trợ phát huy hiệu quả, tạo động lực cho người dân, nhất là các huyện miền núi phát triển diện tích trồng cây gai xanh nguyên liệu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể hàng năm và hướng dẫn công tác triển khai thực hiện. Đồng thời, kiểm tra, giám sát việc thực hiện cơ chế, chính sách. Tổng hợp kết quả thực hiện, những khó khăn, vướng mắc phát sinh khi triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách để báo cáo UBND tỉnh.