Báo chí viết về Viramie

Ghi nhận từ quá trình phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh: Bài 1 – Vẫn còn nhiều khó khăn

Tỉnh Thanh Hóa bắt đầu lộ trình phát triển vùng trồng cây gai xanh nguyên liệu phục vụ chế biến từ năm 2018. Để thực hiện mục tiêu mở rộng về diện tích, nâng cao năng suất, chính quyền các địa phương và bà con nông dân đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, nhưng tiến độ còn chậm, chưa đáp ứng được nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến. Cùng với đó, quá trình triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển vùng nguyên liệu còn gặp những khó khăn, vướng mắc cần tập trung tháo gỡ.

Việc phát triển cây gai xanh nguyên liệu trên địa bàn tỉnh bước đầu đã đem lại hiệu quả, cho thu nhập cao gấp 2 đến 3 lần so với cây trồng khác trên cùng một đơn vị diện tích. Từ đó, mở ra hướng phát triển cây trồng mới, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Đến xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy) chúng tôi ấn tượng với những đồi trồng cây gai xanh mướt. Trên các triền đồi, người dân nơi đây đang tất bật chăm sóc và thu hoạch cây gai xanh nguyên liệu. Hộ bà Phạm Thị Thanh, xã Cẩm Tú là một trong những gia đình có diện tích cây gai xanh nhiều nhất xã. Năm 2017, gia đình bà trồng thử nghiệm 1 ha cây gai xanh cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Từ đó đến nay, gia đình bà đã chuyển đổi được 19 ha diện tích đất đồi trồng các cây nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh và cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm. Bà Phạm Thị Thanh, cho biết: Cây gai xanh có giá trị kinh tế cao, thân và vỏ dùng sản xuất sợi dệt vải chất lượng cao; lá sử dụng trong chế biến bánh gai, tách chiết lấy tinh dầu; thân cây gai được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất giấy. Nhất là, cây gai xanh dễ chăm sóc, có thể trồng trên đất dốc 150, khả năng chịu hạn tốt. Sau 4 tháng trồng cho thu hoạch vụ đầu tiên, sau đó chặt sát gốc, cây sẽ mọc lại và 60 ngày sau cho thu hoạch lứa tiếp theo. Tham gia canh tác cây gai xanh nguyên liệu, gia đình được Công ty CP Nông nghiệp An Phước – Viramie hỗ trợ giống, phân bón bằng hình thức trả chậm và chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm… Đây là cây trồng 1 lần nhưng thu hoạch 9 – 10 năm, mỗi năm thu từ 4 đến 5 lứa, nên không phải đầu tư trồng nhiều lần như các cây trồng khác. Nhờ đầu ra ổn định nên cây gai xanh đã thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Phát huy lợi thế về đất đai và có nhà máy sản xuất sợi dệt đóng trên địa bàn, huyện Cẩm Thủy đã chỉ đạo các xã, thị trấn chuyển đổi đất đang trồng cây nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh nguyên liệu và hướng tới phát triển cây trồng chủ lực của địa phương. Đồng thời, thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với nhà máy. Đến nay, huyện Cẩm Thủy đã trồng được 372,7 ha cây gai xanh, trong đó có 101,7 ha trồng mới và 271 ha lưu gốc. Tập trung ở các xã Cẩm Tú, Cẩm Quý, Cẩm Ngọc, Cẩm Yên… Đánh giá về hiệu quả của cây gai xanh mang lại, đồng chí Hà Ngọc Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp, UBND huyện Cẩm Thủy, cho biết: Trồng cây gai xanh bình quân 1 năm thu hoạch 4 đến 5 lứa (một số hộ đất tốt, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật có thể lên tới 6 lứa) với năng suất bình quân đạt 25 tấn/lứa/ha cây tươi, tương đương 750kg sợi khô/lứa. Theo tính toán của các hộ trồng gai, đối với diện tích gai trồng năm đầu do phải chi phí đầu tư mới nên lợi nhuận từ 40 – 50 triệu đồng/ha/năm và đối với gai lưu gốc từ năm thứ 2 trở đi cho lợi nhuận từ 80 triệu đồng/ha trở lên. Từ kết quả đó cho thấy cây gai xanh có hiệu quả kinh tế cao hơn so với một số cây trồng khác trên cùng một diện tích. Ngoài ra, cây gai xanh là cây lưu gốc thời gian dài khoảng 9 đến 10 năm, năng suất cây gai những năm sau cao hơn năm đầu tiên. Sau 10 năm, củ gai xanh còn thu hoạch làm nguyên liệu chế biến thuốc nam. Bên cạnh lợi ích kinh tế, cây gai xanh còn có tác dụng phục hồi đất và sau khi thu hoạch phần vỏ, thân cây và lá sẽ được băm nhỏ, rải đều lên diện tích trồng làm phân hữu cơ. Do có hàm lượng protein tốt nên thân và lá cây gai xanh nhanh chóng giúp đất trở nên tơi xốp, nhiều dưỡng chất.

 

 

Trước đây nhiều địa phương trong tỉnh đã trồng cây gai xanh để lấy lá làm bánh, lấy củ làm thuốc… Vỏ cây gai là một trong bốn loại sợi tự nhiên có nhiều tính ưu việt như sợi dai, bền, sản phẩm sợi dệt chế biến từ vỏ gai có đặc điểm mát, dễ giặt, nhanh khô, hình thức đẹp. Nhận thấy tiềm năng để phát triển cây gai xanh làm nguyên liệu từ sớm, UBND tỉnh đã thu hút đầu tư và đồng hành cùng doanh nghiệp xây dựng, đưa vào hoạt động nhà máy chế biến sợi gai tại xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy), với công suất 10.000 cọc sợi/năm, tương ứng với 1.700 tấn sợi gai/năm và 1.400 tấn bông gai/năm. Đây là một dự án có ý nghĩa quan trọng, gắn trồng trọt và chế biến, gắn nông nghiệp với công nghiệp. Thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung gắn chặt chẽ với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đến hết tháng 3-2022, tổng diện tích cây gai xanh nguyên liệu trên địa bàn tỉnh đạt 670 ha (trong đó, có 460 ha gai lưu gốc từ năm 2021). Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tổ chức sản xuất gai xanh với quy mô khá lớn (từ 3 ha trở lên) như tại huyện Cẩm Thủy, Hoằng Hóa, Thạch Thành, Lang Chánh… đầu tư hệ thống máy móc thiết bị phục vụ sản xuất và chế biến vỏ gai, ứng dụng khá tốt kỹ thuật thâm canh cây gai xanh. Tại các địa phương có diện tích trồng gai xanh tập trung, được đầu tư thâm canh, giá trị, hiệu quả sản xuất cây gai đạt khá cao, lợi nhuận từ 40 – 50 triệu đồng/ha/năm với gai trồng năm đầu và từ 80 triệu đồng/ha trở lên đối với gai từ năm thứ 2. Mặc dù, lợi ích kinh tế từ cây gai xanh đã được ghi nhận qua các hộ trồng và liên kết bao tiêu sản phẩm với Nhà máy Sản xuất sợi dệt An Phước. Tuy nhiên, quy mô diện tích vẫn còn nhỏ, các vùng trồng gai xanh nguyên liệu còn bị chia cắt, hình thức sản xuất chủ yếu hộ gia đình. Diện tích trồng cây gai ở các địa phương trong vùng quy hoạch nguyên liệu còn thấp, đơn cử như: Ngọc Lặc 9,85 ha, Lang Chánh 15,1 ha, Bá Thước 42,75 ha… Theo ông Nguyễn Phương Việt, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp An Phước – Viramie, với diện tích đã trồng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa mới chỉ đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu nguyên liệu sản xuất của nhà máy và 10% so với quy hoạch vùng nguyên liệu. Thanh Hóa có tiềm năng, dư địa phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh, vì vậy, công ty đang tích cực phối hợp với các địa phương rà soát diện tích đất nông nghiệp để phát triển vùng sản xuất, đảm bảo ổn định vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất cho nhà máy.

Qua tìm hiểu thực tế tại các huyện Thạch Thành, Cẩm Thủy, Bá Thước… được biết cây gai xanh là cây phát triển sau các cây trồng nguyên liệu khác. Nên các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc chọn đất, chọn vùng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển cây gai xanh tập trung. Diện tích đất trồng các loại cây trồng khác có thể chuyển sang trồng gai xanh thì đã được bố trí các cây trồng trước đó và đang trong thời kỳ khai thác, kinh doanh, như: cao su, mía lưu gốc, dứa… Công tác tuyên truyền, tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học – kỹ thuật còn nhiều hạn chế, chưa làm cho Nhân dân thấy rõ hiệu quả, lợi ích của việc trồng gai nên dẫn đến tâm lý hoài nghi, e ngại chuyển đổi.

(+84) 943 820 921