Báo chí viết về Viramie

Gai xanh – lựa chọn tiềm năng: Cây chủ lực cho nông dân miền núi

Theo báo Nông Nghiệp – https://nongnghiep.vn/gai-xanh–lua-chon-tiem-nang-cay-chu-luc-cho-nong-dan-mien-nui-d322364.html

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng cần nghiên cứu, xây dựng gai xanh thành cây trồng chủ lực cho vùng miền núi một số tỉnh phía Bắc để giúp nông dân làm giàu.

Hội thảo 'Phát triển sản xuất cây gai xanh làm nguyên liệu sợi phục vụ ngành dệt may tại một số tỉnh phía Bắc' diễn ra tại Cẩm Thủy, Thanh Hóa cuối tuần qua. Ảnh: Tùng Đinh.

Hội thảo “Phát triển sản xuất cây gai xanh làm nguyên liệu sợi phục vụ ngành dệt may tại một số tỉnh phía Bắc” diễn ra tại Cẩm Thủy, Thanh Hóa cuối tuần qua. Ảnh: Tùng Đinh.

Cuối tuần qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) phối hợp với Sở NN-PTNT Thanh Hóa và Tập đoàn An Phước Viramie tổ chức Hội thảo “Phát triển sản xuất cây gai xanh làm nguyên liệu sợi phục vụ ngành dệt may tại một số tỉnh phía Bắc”.

Chủ trì hội thảo là Thứ trưởng NN-PTNT Trần Thanh Nam và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang với sự tham dự của Giám đốc TTKNQG Lê Quốc Thanh, lãnh đạo Tập đoàn An Phước Viramie và đại diện một số Sở NN-PTNT các tỉnh như Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Điện Biên..

Đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhận định dệt may là ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam và trước xu thế phát triển của ngành cũng như xu hướng tiêu dùng của các thị trường cao cấp, việc phát triển vùng nguyên liệu, trong đó có cây gai xanh là vấn đề cần nghiên cứu, giải quyết.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng, cần nghiên cứu, đưa cây gai xanh trở thành cây trồng chủ lực để xây dựng được chính sách phát triển riêng, từ đó giúp bà con miền núi phía Bắc, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số làm giàu bằng cây trồng này.

Đề cập thêm về vấn đề này, Thứ trưởng nhấn mạnh về nhu cầu đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như về quy trình canh tác, về giống, về cơ giới hóa, về công nghệ chế biến hay về phương án đối phó với sâu bệnh hại.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang cho biết, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành vùng nguyên liệu cây gai xanh với tổng diện tích đã trồng đạt 703ha. Dự kiến từ năm 2023 trở đi hàng năm tăng thêm 1.500ha, đến năm 2025 đạt khoảng 6.500ha, đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ Nhà máy dệt sợi An Phước.

“Việc tổ chức hội thảo phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh là cơ hội để tỉnh Thanh Hóa được chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức khoa học – kỹ thuật, phương pháp tổ chức sản xuất”, ông Lê Đức Giang nói.

Theo lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, hội thảo cũng giúp các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, nông dân có định hướng, giải pháp hiệu quả trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra đối với phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh, mang lại đời sống tốt hơn cho nhân dân, xây dựng nên nông nghiệp hiện đại.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cùng Giám đốc TTKNQG Lê Quốc Thanh và đại diện An Phước Viramie đi thăm cánh đồng nguyên liệu gai xanh. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cùng Giám đốc TTKNQG Lê Quốc Thanh và đại diện An Phước Viramie đi thăm cánh đồng nguyên liệu gai xanh. Ảnh: Tùng Đinh.

Xây dựng vùng nguyên liệu tránh cung vượt cầu

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Trần Thanh Nam đã có một số định hướng để phát triển cây gai xanh. Theo đó, Thứ trưởng đề nghị TTKNQG phối hợp với Nhà máy sợi dệt An Phước xây dựng đề án phát triển cây gai xanh nguyên liệu để hỗ trợ cho các tỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu của nhà máy.

Đồng thời, TTKNQG phối hợp với tỉnh Thanh Hóa xây dựng thí điểm mô hình HTX dịch vụ và mô hình sản xuất áp dựng cơ giới hóa đồng bộ theo hướng làm dịch vụ. Nghiên cứu với các địa phương xây dựng các sản phẩm OCOP làm từ nguyên liệu cây gai xanh…

Gai xanh đang trở thành cây trồng chủ lực ở nhiều xã của huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Ảnh: Tùng Đinh.

Gai xanh đang trở thành cây trồng chủ lực ở nhiều xã của huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Ảnh: Tùng Đinh.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng giao TTKNQG phối hợp Văn phòng điều phối nông thôn mới xây dựng sản phẩm OCOP từ cây gai, phát huy, khẳng định hiệu quả đa giá trị của cây gai xanh, bảo đảm vừa mở rộng quy mô chế biến gai vừa mở rộng vùng nguyên liệu, khẳng định hiệu quả đa giá trị của cây gai xanh, tạo niềm tin cho người dân chủ động phát triển cây gai xanh, làm nguyên liệu chế biến sợi, phục vụ ngành dệt may.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng giao Cục Trồng trọt phối hợp các đơn vị, địa phương tiếp tục tổ chức hội thảo chuyên đề sâu về cây gai xanh, tập trung làm rõ các vấn đề về cây giống, quy trình canh tác, hiệu quả kinh tế, đa giá trị của cây gai; xây dựng vùng nguyên liệu gắn liên kết tổ chức sản xuất.

Gai xanh là nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp dệt may. Ảnh: Tùng Đinh.

Gai xanh là nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp dệt may. Ảnh: Tùng Đinh.

Liên quan đến xây dựng vùng nguyên liệu, ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình đề xuất việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất cây gai xanh; đưa công nghệ sấy vào thu hoạch trong mùa mưa và phải có định hướng phát triển để người dân và doanh nghiệp đồng hành phát triển…

Bên cạnh đó, ông Hùng cũng kiến nghị An Phước Viramie phải chọn một số tỉnh trồng cây gai xanh để tránh tình trạng cung vượt cầu nếu các tỉnh đổ xô vào trồng và công bố các quy hoạch các nhà máy và vùng nguyên liệu để bà con đều biết…

(+84) 943 820 921