Sau 2 năm thử nghiệm và 2 năm phát triển diện rộng trên đất dốc ở một số huyện trong tỉnh Sơn La, cây gai xanh AP1 đã giúp người dân tăng thêm thu nhập đáng kể. Cây gai xanh đã và đang mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân.
Cuối năm 2019, Công ty TNHH HTM Dragon Việt Nam, được sự hỗ trợ từ tổ chức Great – Australia, đã phối hợp cùng các đối tác phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh tại Sơn La.
Sau hơn 1 năm, Công ty đã phát triển được gần 500ha trồng cây gai xanh, tập trung tại các huyện Sông Mã, Sốp Cộp, Phù Yên, Mường La của tỉnh Sơn La.
Trung bình, bà con thu được từ 100 – 140 triệu đồng/ha, nhiều hộ chăm sóc tốt, cho thu nhập trên 200 triệu/ha từ cây gai xanh.
Ông Lâm Quang Thành – Giám đốc HTM Dragon, cho biết: Công ty đã phối hợp với các đối tác tổ chức các lớp tập huấn cho người dân các xã, bản về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây gai xanh AP1, bảo đảm năng suất, chất lượng cao, ít sâu bệnh.
Năng suất trung bình đạt từ 75 – 83 tấn cây tươi/ha/năm, sau khi sơ chế đạt 2,5 – 3,5 tấn vỏ khô/ha/năm và được công ty, HTX thu mua toàn bộ sản phẩm.
Trung bình, bà con thu được từ 100 – 140 triệu đồng/ha, nhiều hộ chăm sóc tốt, cho thu nhập trên 200 triệu/ha.
Gai xanh giống AP1 là cây nông nghiệp, phục vụ cho công nghiệp, chủ yếu trồng lấy vỏ để sản xuất thành nguyên liệu sợi phục vụ ngành công nghiệp dệt may cao cấp.
Cây dễ chăm sóc, khả năng chịu hạn tốt, ưa khí hậu nóng ẩm, trồng một lần nhưng thời gian khai thác từ 8 – 10 năm; thu hoạch 4 – 6 lứa/năm (thời gian từ 48 – 50 ngày/lứa). Khi 3 – 4 lá gai dưới gốc cây già, chuyển sang màu nâu nhạt, cây đạt độ cao từ 1,5 mét trở lên là cây đã đến độ thu hoạch.
Lá cây gai xanh được sử dụng làm thức ăn cho gia súc hoặc nguyên liệu cho ngành công nghiệp thực phẩm (bánh gai) và bào chế dược liệu; lõi gỗ từ cây gai xanh sau khi lấy vỏ có thể tận dụng làm giá thể để trồng nấm sò hoặc ủ làm phân bón hữu cơ vi sinh để tái tạo đất.
Tại nương của HTX Gai Xanh Sông Mã, bản Bó Bon, xã Chiềng Cang (Sông Mã) cây gai xanh cao ngập đầu người đang thu hoạch và được đưa vào máy tuốt thành sợi gai xanh nhỏ, dài, mềm, sau đó đem phơi khô.
Giám đốc HTX Gai Xanh Sông Mã cho biết, đầu năm 2020, HTX trồng gần 20 ha cây gai xanh, năm rồi thu hoạch 4 lứa, sản lượng đạt 18 tấn vỏ khô/lứa, doanh thu của HTX đạt trên 2,8 tỷ đồng/năm, trung bình 140 triệu/ha/năm.
Các lứa gai càng về sau, năng suất càng cao, chi phí chăm sóc lại càng hạ do lượng mùn từ thân, lá cây rất nhiều, đất tơi xốp và màu mỡ hơn nhiều so với trước, hầu như không phải làm cỏ hay phun thuốc BVTV. Cây gai tỏ ra rất phù hợp với khí hậu, đất đai ở Sông Mã.
Còn gia đình anh Lò Văn Quý, trưởng bản Nà Hường, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn cho biết, mình trồng 1,2 ha cây gai xanh từ cuối tháng 6/2021. Đến nay đã cho thu hoạch 4 lứa, thu nhập từ khi trồng đến nay là 132 triệu đồng. Hơn hẳn trồng ngô (hàng năm chỉ thu được xấp xỉ 30 triệu đồng).
Trong khi đó, ông Nguyễn Công Bảo, Giám đốc HTX Nông Nghiệp BTH, chia sẻ: Là mội đối tác độc quyền phát triển diện tích cây gai xanh ở huyện Phù Yên và Bắc Yên, tỉnh Sơn La, cùng với HTX DV Nông Nghiệp Tây Bắc Gia Phù, hiện tại huyên Phù Yên đã phát triển được gần 200 ha. Từ đầu năm đến nay, các diện tích trồng mới, cây đã lên cao gần 1,5 mét, hứa hẹn mùa vụ bội thu cho bà con xã viên.
“Chúng tôi rất kỳ vọng và tin tưởng cây gai xanh sẽ thay đổi kinh tế của địa phương theo hướng tích cực, bà con không phải đi xa để kiếm việc làm nữa, đời sống của bà con sẽ được cải thiện hơn nhiều nếu làm tốt cây gai xanh” – ông Bảo nói.
Cho đến nay, việc chuyển đổi các loại cây trồng trên đất nương kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh theo hướng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm ở Sơn La không những tận dụng được tối đa diện tích đất, phủ xanh đất trống, đồi trọc, mà mở ra hướng đi mới cho bà con vùng cao, vốn còn nhiều khó khăn.
Đây là hướng đi phù hợp, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân, được lãnh đạo địa phương hết sức ủng hộ.