Tin tức

CỔ TÍCH GAI XANH

Cổ tích gai xanh

Từ chỗ nông sản làm ra rồi phải đổ bỏ, nhờ chuyển sang trồng cây gai xanh, những người nông dân một nắng hai sương, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” ở những địa phương miền núi đã có được cuộc sống tốt đẹp và đủ đầy hơn.

Làm giàu nhờ sợi gai xanh

Những ngày cuối năm ở vùng núi dường như lạnh hơn dưới màn mưa phùn lâm thâm và cái rét sương muối cắt thịt cắt da đặc trưng của mùa đông xứ bắc. Trong căn nhà khang trang với khoảng sân rộng, bên những chồng vỏ gai được tuốt sạch tinh tươm chờ chuyển đến nhà máy, cái rét ấy dường như bớt đi rất nhiều trước nụ cười rạng rỡ của bà Phạm Thị Thanh, thôn Cẩm Hoa, xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa khi bà hồ hởi khoe: “Chỉ chờ trời nắng lên, tôi phơi khô chỗ sợi gai này rồi xuất bán cho nhà máy là tài khoản có tiền. Mọi thứ cứ như một giấc mơ vì tôi chưa bao giờ nghĩ có những ngày, mình kiếm được hàng chục triệu đồng nhờ cây gai xanh. Thu nhập tốt, Tết này tôi sẽ đổi tivi, mua máy giặt và nhiều vật dụng cần thiết khác. Ngày Tết cũng ấm áp, đủ đầy hơn trước rất nhiều!”.

Trồng 19 ha cây gai xanh để bán cho Công ty CP Nông nghiệp An Phước (Tập đoàn An Phước – Viramie), xã Cẩm Tú, những năm gần đây, cuộc sống của gia đình bà Phạm Thị Thanh đã thay đổi rất nhiều. Bà chia sẻ, những năm trước đây, gia đình bà trồng nhiều loại cây khác như mía, keo, sắn… nhưng thường xuyên rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”, thu nhập rất bấp bênh. Tuy nhiên, từ khi chuyển sang trồng gai, bà yên tâm hơn khi được cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Bà Thanh bên khu sợi gai chuẩn bị phơi khô xuất bán cho nhà máy

Vui vẻ khi chia sẻ về thu nhập, bà Thanh cho biết, đến thời điểm thu hoạch, mỗi ngày, gia đình bà có thể thu về 15-20 triệu đồng sau khi đã trừ hết chi phí. Như vậy, mỗi năm, thu nhập từ cây gai xanh có thể lên đến hàng tỷ đồng. Không chỉ mang về nguồn thu ổn định cho gia đình mình, bà Thanh còn tạo công ăn việc làm cho 5 lao động địa phương khi vào vụ thu hoạch với 300.000 đồng/người/ngày.

Không những mang lại lợi ích cho người dân mà cây gai xanh còn được đánh giá là một trong những loại cây giữ đất rất tốt bởi rễ bám sâu vào đất nên hạn chế tối đa xói mòn. Cây gai sau thu hoạch được tách lấy vỏ, phơi khô đưa vào sản xuất sợi. Lõi thân và lá cây vốn có hàm lượng protein cao nên được băm nhỏ, bón vào đất để tăng độ tơi xốp, dinh dưỡng. Cứ khoảng 60 ngày, người dân thu hoạch một lứa. Cứ chặt đi, mầm gai lại bám đất vươn lên, lớp này nối tiếp lớp kia, xanh non mỡ màng giữa vùng đồi rộng.

Giống như bà Thanh, nhiều người dân trên vùng quê yên bình của xã miền núi Cẩm An đang có thu nhập trong mơ nhờ trồng cây gai xanh. Thực hiện Đề án Phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ Nhà máy Sản xuất sợi dệt tại xã Cẩm Tú đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, những năm gần đây, huyện Cẩm Thủy đã phối hợp với Tập đoàn An Phước – Viramie triển khai mô hình cây gai xanh nhằm phát triển kinh tế, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Diện tích trồng gai từ chỗ chưa đáng kể, hiện đã lên đến 460 ha toàn tỉnh.

Ở một địa phương khác là tỉnh Sơn La, cuối năm 2017, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh hợp tác với Công ty TNHH Đầu tư và Sản xuất Vinaffi và Hợp tác xã Gai xanh AP1 Sơn La (Mộc Châu) phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh tại Sơn La. Đây là một trong những tiểu dự án thuộc Dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch tại tỉnh Lào Cai và Sơn La” (gọi tắt là Dự án GREAT), với tổng số vốn hơn 14 tỷ đồng.

Sợi gai được sơ chế trước khi vào sản xuất

Là một hộ dân được thụ hưởng lợi ích từ dự án này, ông Ngần Văn Thư, bản Suối Nậu, xã Liên Hòa (Vân Hồ) cho biết, gia đình anh trồng gần 2 ha cây gai xanh, mỗi năm thu hoạch 4 lứa, sản lượng đạt 1,4 tấn vỏ khô/lứa, thu nhập trên 220 triệu đồng/năm.

“Điểm đặc biệt ở cây gai xanh là không cần mất quá nhiều công chăm sóc. Sau mỗi lần thu hoạch, chỉ cần làm cỏ và bón phân, gốc cây lại đâm chồi, đẻ nhánh và phát triển nhanh. Được Công ty An Phức cung ứng toàn bộ hạt giống, vật tư theo hình thức trừ dần trong 5 năm đầu, cho mượn máy tuốt vỏ cây gai và ký hợp đồng thu mua toàn bộ sản phẩm, nên gia đình tôi rất yên tâm sản xuất”, ông Thư chia sẻ.

Giá trị lớn từ loại sợi cao cấp

Sở hữu nhà máy đầu tiên tại Việt Nam sản xuất sợi vải cao cấp , bà Đỗ Thị Thúy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn An Phước – Viramie chia sẻ: “Sợi gai được mệnh danh là “vua của các loại sợi tự nhiên”, là “vàng mềm ngàn năm”, có lợi rất lớn cho sức khỏe và hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của khu vực miền núi nước ta nên tôi rất muốn sản xuất và thương mại hóa sản phẩm này”.

Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh, cấu trúc lỗ xốp siêu mịn đặc biệt bên trong giúp sợi gai có khả năng hấp thụ mạnh các chất độc hại như formaldehyde, benzen, toluen, amoniac trong không khí, khử mùi hôi. Sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, các chất có hại đã hấp thụ có thể bị bay hơi, do đó chức năng hấp thụ của nó có thể được tự động tái tạo, giúp sợi vải thoáng khí và mang đến cảm giác mát mẻ.

Sợi gai AP1 rất dai, chắc, sợi nhỏ, không dễ bị nấm mốc xâm hại. Cộng với chức năng siêu chống mài mòn kéo dài đáng kể tuổi thọ sử dụng của các mặt hàng. Do đó, đây là sản phẩm rất tốt cho sức khỏe và được người tiêu dùng thế giới quan tâm, ứng dụng vào nhiều sản phẩm may mặc.

Vườn nguyên liệu cây gai xanh tươi tốt

Con đường quanh co uốn lượn phía sau nhà máy dẫn đến khu nguyên liệu bạt ngàn cây gai, khu trồng gai thành phẩm cùng hai hồ xử lý nước thải sản xuất thành nước tưới. Tại nhà máy sản xuất cây gai xanh đặt tại Thanh Hóa, cây gai xanh AP1 được Tập đoàn An Phước Viramie và Viện Di truyền Nông nghiệp nghiên cứu và ươm tạo từ giống, bảo đảm khả năng kháng sâu bệnh và cho năng suất tốt nhất. Người dân được hỗ trợ cây giống, kỹ thuật trồng và cam kết bao tiêu sản phẩm.

Từ những thân gai xanh thô mộc, qua công nghệ hiện đại, sản phẩm sợi gai được ra đời, dệt thành khăn, quần áo, hoặc phối với lụa tạo độ mềm óng ả để dệt thành vải may áo dài… rất được du khách quốc tế ưa chuộng. Dòng sản phẩm từ sợi gai nguyên chất có giá thành khá đắt, nên để sản phẩm phổ biến hơn, sợi gai được kết hợp với nhiều loại sợi khác như sợi tre, tencel, bông, polyeste… để vẫn giữ được những đặc tính quý giá song có thể hạ giá thành sản phẩm xuống.

Trên những sườn đồi, sườn núi nhấp nhô của nhiều địa phương miền núi phía bắc như Thanh Hóa, Sơn La, Hòa Bình… bên cạnh sắc xanh của sắn, của ngô, là những ruộng gai xanh đang lên mơn mởn. Nhìn nụ cười rạng rỡ của người dân khi nâng niu từng búp gai xanh, tin rằng, giấc mơ đổi thay đời sống người dân này sẽ không chỉ thành hiện thực trên quê hương Thanh Hóa, Sơn La mà còn rất nhiều vùng quê miền núi khác của Việt Nam

Nguồn: Báo Nhân Dân

(+84) 943 820 921