‘Các anh có giỏi thì làm trước đi cho dân học tập. Dân lấy đâu ra tiền để trồng. Dự án thất bại cán bộ có đền cho dân không?’, người dân từng đặt vấn đề.
Trồng cây 1 lần thu hoạch 10 năm
Cách đây vài năm, cán bộ Nguyễn Văn Loan được lãnh đạo xã Cẩm Tú (huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) giao nhiệm vụ đến từng hộ dân trong xã để vận động chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh.
Nhiệm vụ nặng nề, nên áp lực lộ rõ trên khuôn mặt của vị cán bộ nông nghiệp xã. Thời điểm đó, người dân xã Cẩm Tú chưa từng nghe đến cây gai xanh, nên chả ai dám mạo hiểm thay đổi cây trồng.
Có lần đi vận động, cán bộ Loan bị người dân nói một tràng: “Các anh có giỏi thì làm trước đi cho dân học tập. Dân lấy đâu ra tiền mà mua giống với phân bón để trồng cây. Nếu dự án thất bại thì cán bộ có đền cho dân không?”. Nghe xong cán bộ Loan lẳng lặng ra về và tỏ vẻ bất lực trước sự kiên quyết của người dân địa phương.
Nhận thấy chỉ vận động bằng miệng thôi chưa đủ, lãnh đạo xã Cẩm Tú họp bàn và đi đến thống nhất, tổ chức hội thảo, hội nghị đầu bờ có sự tham gia của doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và người dân trong xã.
“Dù được giải thích rất cặn kẽ về quy trình, kỹ thuật chăm sóc và hiệu quả mang lại từ cây gai xanh nhưng người dân vẫn không tin. Có người lo lắng rằng, nếu sản phẩm cây gai xanh không được bao tiêu thì người nông dân sẽ đi về đâu? Chỉ đến khi đại diện công ty An Phước khẳng định và cam kết đồng hành với người trồng gai và giúp nông dân đảm bảo đầu ra cho cây gai xanh thì họ mới cảm thấy yên tâm.
Năm 2017 xã Cẩm Tú mới có 4 hộ đăng ký tham gia mô hình trồng cây gai xanh. Đến nay, toàn xã đã có hơn 30 hộ trồng, với diện tích gần 100ha. Cây gai xanh sau nhiều năm đã trở thành nguồn thu nhập chính cho nhiều nông hộ”, ông Nguyễn Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Tú cho biết.
Nhờ chuyển đổi từ cây sắn, cây mía sang trồng cây gai xanh, những người nông dân một nắng hai sương, ở xã miền núi Cẩm Tú đã có cuộc sống đủ đầy hơn.
Tại thôn Cẩm Hoa, xã Cẩm Tú, bà Phạm Thị Thanh là một trong số hộ dân tiên phong trồng gai xanh. Sau nhiều năm trồng mía không đem lại hiệu quả như kỳ vọng, bà Thanh quyết định chuyển đổi sang trồng cây gai. Năm 2018, bà Thanh trồng thử nghiệm cây gai xanh trên diện tích 1ha và được doanh nghiệp chế biến bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Năm đó, số tiền thu được từ việc bán cây gai giúp bà có kinh phí trang trải tiền mua cây giống, phân bón và tiền lương lao động.
Từ năm thứ 2 trở đi, bà Thanh nhận thấy cây gai xanh có đầu ra và thu nhập ổn định nên đã mở rộng diện tích trồng gai lên hơn 19ha. Ước tính, sản lượng gai xanh của gia đình bà đạt khoảng 40 tấn/năm. Sau khi trừ chi phí, cây trồng này đem lại thu nhập cho gia đình bà khoảng hơn 1 tỷ đồng/năm.
“Trồng cây gai cho thu nhập tốt hơn nhiều so với cây trồng khác. Người nông dân chỉ cần trồng 1 lần có thể thu hoạch trong vòng 10 năm. Gai xanh là cây trồng dễ phát triển, ít tốn công lao động.
Cây gai sau trồng từ 90 – 100 ngày sẽ cho thu hoạch lần đầu, sau đó từ 40 – 45 ngày cho thu hoạch lứa tiếp theo. Mỗi năm người dân có thể thu hoạch 4 vụ tùy theo cách chăm bón và thời tiết.
Toàn bộ các sản phẩm từ cây gai đều được tận dụng sau khai thác. Vỏ cây gai được dùng làm nguyên liệu sản xuất vải, lá cây có thể làm bánh gai, thân có thể làm nấm, mộc nhĩ, phân vi sinh… Riêng lá gai xanh bán thương phẩm để làm bánh gai cũng cho thu nhập khoảng 40 triệu/năm”, bà Thanh chia sẻ.