Theo báo Nông Nghiệp https://nongnghiep.vn/cay-gai-xanh-chiem-tron-cam-tinh-cua-nong-dan-xu-tuyen-d333211.html
Lợi nhuận cao gấp nhiều lần cây trồng khác, ít tốn công lao động, lại giúp cải thiện môi trường…, cây gai xanh đã nhanh chóng chiếm trọn cảm tình của người dân xứ Tuyên.
Cây gai xanh đang là cây trồng mang lại thu nhập cao cho người dân xã Trung Yên, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Ảnh: Đào Thanh.
Mô hình trồng cây gai xanh AP1 tại xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang được triển khai từ tháng 3/2022 với diện tích 5ha/7 hộ tham gia. Gai xanh là loài cây dễ trồng, thích nghi khá tốt với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại đồng đất ở Tuyên Quang.
Gia đình ông Nguyễn Thanh Hà, thôn Quan Hạ, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương tham gia mô hình với diện tích 3ha. Ông Hà cho biết, mặc dù đây là vụ đầu tiên nhưng gia đình vẫn quyết bỏ diện tích đất ruộng và soi bãi để trồng cây gai xanh, bởi ông đã đi thực tế, tham quan mô hình một số nơi có điều kiện thổ nhưỡng tương đồng và thấy giống cây gai xanh có thể phát triển ở quê mình. Vì thế khi triển khai trồng gai xanh, ông Hà khá yên tâm.
Đúng như ông dự đoán, sau 7 tháng đưa vào trồng, đến nay, diện tích cây gai xanh của gia đình ông đã cho thu được 2 lần, hiện nay chuẩn bị cho thu lần 3. Trong lần thu thứ nhất, do lứa đầu, cây thưa, lên chưa đều, trừ chi phí ông Hà chỉ đủ tiền thuê nhân công chăm sóc và thu hoạch với trung bình đạt 10kg sợi khô/sào (360m2). Đến lứa thứ 2 (50 ngày sau), khi cây gai đã phát triển hơn, mật độ cây cũng dày lên, do đó năng suất đạt 20kg/sào. Dự kiến lứa thứ 3 này, khi bộ rễ phát triển ổn định, mật độ cây lớn, chắc chắn năng suất sẽ đạt 30kg/sào.
Sau trồng 70 ngày, cây gai xanh đã cho thu hoạch lứa đầu tiên. Ảnh: Đào Thanh.
Theo ông Hà, từ đầu vụ đến nay, diện tích cây gai xanh của gia đình ông cho thu hoạch đạt hơn 2 tấn sợi khô, với giá trị đạt 80 triệu đồng. Trong khi đó, diện tích này trước đây gia đình ông trồng cỏ voi bán cho các hộ chăn nuôi và các công ty chăn nuôi bò sữa. Khi giá phân bón khoảng 5 trăm nghìn đồng/tấn thì còn có lãi, nhưng hiện nay giá phân đạm lên đến 2 triệu đồng/tạ thì trồng cỏ gần như không có lãi. Ông Hà vui vẻ bảo rằng, ý định trồng cây gai xanh của mình là đúng đắn, đầu tư như vậy chẳng khác nào “được cả chì lẫn chài” trong vòng 10 năm.
Gia đình ông Đào Văn Hữu, thôn Quan Hạ, xã Trung Yên trồng 7 sào gai xanh. Trồng cây gai xanh ông chỉ vất vả lứa đầu do mất nhiều công làm cỏ, nhưng đến lứa thứ 2 trở đi khi cây lớn át hết cỏ thì từ khi thu hoạch, sau 1 tuần bón phân, gần như nông dân không phải làm gì nữa. Vốn đầu tư từ lần thứ 2 trở đi mỗi sào chỉ cần 5kg đạm là đủ cho cây phát triển, còn lại nguồn dinh dưỡng sẽ được bổ sung từ nguồn phân tự nhiên từ thân và lá cây sau khi thu hoạch.
Ông Hữu cho biết, trồng cây gai xanh từ khi trồng đến thu hoạch lứa đầu khoảng 70 ngày, đến lứa thứ 2 là 50 ngày và từ lứa thứ 3 trở đi trung bình từ 45 đến 50 ngày sẽ được thu một lần. Với giá 40.000 đồng/kg sợi khô, trùng bình 1 sào (360m2) trồng cây gai xanh người dân sẽ thu 1,2 triệu đồng, trừ các khoản chi phí còn lãi 700.000/sào/vụ, quy ra trung bình 1 năm cho thu 5 vụ sẽ đạt lãi 3,5 triệu/sào. Trong khi đó, cùng đơn vị diện tích này trồng lúa, ngô hoặc rau màu chỉ lãi từ 700.000 đến 1 triệu đồng/sào/năm.
Cây gai xanh đang hứa hẹn là cây trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.
Diện tích 7 sào trồng cây gai xanh này trước đây ông Hữu trồng sắn, mỗi năm chỉ thu được khoảng 6 triệu đồng, trong khi đó trồng gai xanh, trung bình mỗi năm ông thu lãi khoảng 20 triệu đồng. Trồng cây gai xanh khi thu hoạch không cần quá nhiều nhân công, chỉ cần từ 5 đến 10 nhân công, sản phẩm sợi khô làm ra được Công ty Cổ phần Nông nghiệp An Phước (Tập đoàn An Phước Viramie) ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm trong vòng 10 năm.
Cùng với xã Trung Yên, hiện nay cây gai xanh được phát triển mở rộng tại nhiều địa phương của các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa, Na Hang… (Tuyên Quang) với hơn 200 hộ dân tham gia.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang cho biết, tuy là cây trồng mới nhưng sau hơn 1 năm triển khai, cây gai xanh đã khẳng định được những ưu điểm của mình. Giống cây này đã và đang tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, góp phần nâng cao đời sống cho người dân tại địa phương.
Phát triển cây gai xanh sẽ góp phần cải thiện điều kiện môi trường canh tác và sức khỏe người lao đồng vì gần như không phải dùng thuốc BVTV, cải thiện độ phì nhiêu đất, chống xói mòn, đặc biệt là trên vùng đất đồi dốc thông qua mức độ che phủ mặt đất, thời gian che phủ của bộ lá và khả năng phát triển sâu, rộng của bộ rễ cây gai.
Bên cạnh đó, với phương thức thu mua sản phẩm là vỏ gai khô, việc tuốt vỏ gai được người dân thực hiện ngay trên đất trồng gai nên toàn bộ phế phụ phẩm được trả lại toàn bộ cho đất. Trồng cây gai xanh liên tục nhiều năm không những không ảnh hưởng đến tính chất đất như đối với nhiều loại cây trồng khác, mà ngược lại độ phì đất ngày càng được cải thiện và không ngừng nâng cao.