Theo báo Sơn La Online – http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/cay-gai-xanh-o-chieng-cang-51432
Gai xanh là cây công nghiệp, trồng lấy vỏ để sản xuất thành nguyên liệu sợi phục vụ ngành công nghiệp dệt may. Cây dễ chăm sóc, khả năng chịu hạn tốt, ưa khí hậu nóng ẩm; trồng một lần, nhưng thời gian khai thác từ 8-10 năm; thu hoạch 4-5 lứa/năm. Lá cây gai xanh được sử dụng làm thức ăn cho gia súc hoặc nguyên liệu cho ngành công nghiệp thực phẩm và bào chế dược liệu; lõi gỗ từ cây gai xanh sau khi lấy vỏ có thể tận dụng làm giá thể trồng nấm hoặc ủ làm phân bón hữu cơ vi sinh để tái tạo đất.
Mô hình trồng cây gai xanh ở bản Có Tre, xã Chiềng Cang.
Chuyển đổi các loại cây trồng trên đất nương kém hiệu quả, sang trồng cây gai xanh theo hướng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm ở địa bàn xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã, không những phủ xanh đất trống, đồi trọc mà đang mở ra hướng đi mới cho bà con nơi đây.
Sau hơn một năm (từ tháng 5/2021) triển khai trồng thử nghiệm cây gai xanh trên địa bàn, đến nay, tại xã Chiềng Cang đã có 37 ha cây gai xanh, tập trung chủ yếu tại các bản Tre, Nà Bon, Bó Bon. Ông Cầm Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Chiềng Cang, cho biết: Nhiều loại cây trồng mới, trong đó có cây gai xanh, được chúng tôi đưa vào trồng, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế và thay đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đưa chúng tôi thăm đồi gai xanh mướt, anh Cầm Văn Thiện, bản Tre, cho biết: Trước đây, gia đình tôi chủ yếu trồng ngô và sắn nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Nhận thấy sự hiệu quả từ cây gai xanh khi trồng một lần có thể thu hoạch trong 10 năm, lại được HTX gai xanh Sông Mã cung ứng trước giống, phân bón nên gia đình tôi đã chuyển đổi 1 ha đất trồng ngô, sắn sang trồng cây gai xanh, đến nay, đã thu hoạch 3 lứa, mỗi lứa khoảng 2 tạ vỏ khô, với giá 35.000 – 37.000 đồng/kg tùy loại, thu trên 20 triệu đồng. Trồng cây gai xanh chỉ vất vả những ngày đầu mới trồng phải làm cỏ, từ lứa thứ hai trở đi chủ yếu chăm sóc, bón phân sau thu hoạch. Dự kiến, các lứa tiếp theo sẽ cho thu hoạch gấp 2-3 lần lứa đầu, 1 ha cây gai xanh cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng.
Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc HTX gai xanh Sông Mã, xã Mường Hung, huyện Sông Mã, cho biết: HTX đã và đang phối hợp, liên kết với Công ty CP Đầu tư phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu An Phước từng bước mở rộng vùng nguyên liệu gai xanh với hình thức bà con góp đất, bỏ công chăm sóc và cam kết bán sản phẩm cho HTX; kinh phí mua giống và phân bón được Công ty ứng trước 100% và chỉ trừ dần từ lứa thu hoạch thứ 2, trong vòng 2 năm. Đến nay, HTX đã có hơn 200 ha cây gai xanh giống AP1, một số diện tích đã cho thu hoạch 3 lứa, tập trung chủ yếu ở các xã: Chiềng Cang, Mường Hung, Pú Bẩu, Huổi Một… Tại xã Chiềng Cang, HTX trồng gần 20 ha cây gai xanh, bình quân mỗi năm thu hoạch 4 lứa, sản lượng đạt 18 tấn vỏ khô/lứa, doanh thu của HTX đạt trên 2,8 tỷ đồng/năm.
Tháng 4/2022 vừa qua, Công ty HTM Dragon Việt Nam là đối tác cung cấp nguyên liệu cho Công ty CP Đầu tư phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu An Phước đã phối hợp với UBND một số xã trên địa bàn huyện Sông Mã tổ chức Hội nghị tuyên truyền về cây gai xanh AP1 và hiệu quả kinh tế, đồng thời, mở các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân các kỹ thuật trồng, chăm sóc cây gai xanh sao cho đạt hiệu quả cao nhất.
Ông Lâm Quang Thành, Giám đốc Công ty HTM Dragon Việt Nam, cho biết: Bên cạnh lợi ích về kinh tế, trồng cây gai xanh, còn giúp chống xói mòn, bảo vệ môi trường (giảm việc phải sử dụng thuốc BVTV, tăng độ phì nhiêu cho đất). Mô hình sản xuất tạo chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ, có hiệu quả kinh tế lâu dài, tạo việc làm thường xuyên, ổn định đời sống cho người nông dân. Chúng tôi cam kết thu mua 100% sản phẩm gai xanh của người dân. Công ty chúng tôi và Công ty CP Đầu tư phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu An Phước đã xây dựng và đưa vào hoạt động Nhà máy sản xuất sợi dệt tại thôn Thuần Lương, xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, với công suất 10.000 cọc sợi/năm, tương ứng với đầu ra 1.700 tấn sợi/năm; bông gai 1.500 tấn/năm với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng, nên bà con an tâm về đầu ra của sản phẩm.
Có thể thấy cây gai xanh đang từng bước mang lại hiệu quả kinh tế, thêm hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân của xã Chiềng Cang và huyện Sông Mã nói chung, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững