Ngoài việc dùng vỏ cây để làm nguyên liệu chính trong sản xuất may mặc và các mặt hàng thời trang cao cấp; lá gai xanh AP1 còn được tận dụng để gói bánh gai và làm thức ăn gia súc; thân làm nguyên liệu sản xuất nấm, mộc nhĩ và phân bón…
Công ty Cổ Phần Đầu tư phát triển Sản xuất và xuất nhập khẩu An Phước vừa phối hợp với Sở NN-PTNT Thanh Hóa và UBND huyện Thọ Xuân tổ chức hội nghị tham quan đầu bờ giống gai xanh mới AP1 tại xã Thọ Diên. Giống gai xanh AP1 được lai tạo từ tổ hợp lai giống Lá tròn xanh (Yuan Ye Qing) với Trúc lau xanh (Lu Zhu Qing), nhập nội từ năm 2012; đến nay đã ổn định về mặt di truyền; quá trình khảo nghiệm được đánh giá có nhiều tính năng ưu việt.
Ông Đỗ Văn Kỳ, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho biết, năm 2016, Công ty An Phước đã phối hợp cùng Viện Di truyền nông nghiệp và Sở NN-PTNT Thanh Hóa triển khai mô hình khảo nghiệm; đánh giá chất lượng giống gai xanh AP1 ở các huyện Thọ Xuân (48,72 ha); Ngọc Lặc (41,98 ha); Cẩm Thủy (19,51 ha)… Kết quả bước đầu cho thấy, cây gai xanh AP1 sinh trưởng nhanh; năng suất ổn định và đặc biệt là thích hợp triển khai trên nhiều loại đất.
Theo đánh giá, hằng năm các nhà máy sản xuất dệt sợi trong nước cần hàng chục ngàn tấn nguyên liệu. Nhu cầu đầu vào rất lớn nhưng việc sản xuất sợi gai chỉ mới duy trì ở quy mô nhỏ lẻ nên phải nhập khẩu gần như toàn bộ từ nước ngoài; chi phí rất tốn kém. Do đó, việc nhân rộng các mô hình trồng gai sẽ mang lại lợi ích song hành; vừa tiết kiệm được nguồn ngoại tệ lớn; đồng thời tạo ra công ăn việc làm nhằm tăng thu nhập cho người nông dân.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, Viện Di truyền Nông Nghiệp đã kết nối với Công ty An Phước nghiên cứu chọn lọc và cho ra đời giống gai xanh AP1 có năng suất cao; chất lượng xơ tốt; đáp ứng được yêu cầu sản xuất gai xanh tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Thanh Hóa.
Các lưu ý khi trồng cây gai xanh AP1
Để trồng gai xanh AP1 đạt năng suất và hiệu quả cao, Công ty An Phước khuyến cáo nông dân cần tuân thủ nghiêm ngặt thời vụ gieo trồng. Cụ thể, bà con nên triển khai trồng từ tháng 2 – 3 đối với các vùng đất bằng. Trồng từ tháng 7 – 8 trên đất đồi núi, mật độ duy trì từ 3,2 – 3,7 vạn cây/ha….
Bà con cần xử lý hạt giống từ 2 – 5 giờ, tiến hành ngâm trong nước ấm trong vòng 6 giờ. Sau đó để hạt giống cho ráo nước rồi trộn hạt với tro, tỉ lệ 1:30. Sau khi gieo hạt phải dùng lưới che để tránh ánh nắng chiếu trực tiếp và tiện cho việc chăm sóc, thu hoạch. Khi gieo trồng cần đảm bảo hàng cách hàng 0,9m; cây cách cây 30 – 35cm; mỗi hàng không quá 100m.
Giống gai xanh AP1 có khả năng đẻ nhánh rất khỏe, thân thẳng; ít đốt, không phân cành; năng suất thực thụ đạt 1,4 – 1,7 tấn/ha; cao hơn giống đối chứng TH2 trồng phổ biến ở Thanh Hóa lâu nay. Nếu bà con tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật, mỗi năm AP1 có thể cho thu hoạch từ 5 – 6 lần. Khảo sát bước đầu cho thấy, hiệu quả kinh tế của từ việc trồng gai xanh AP1 vượt trội hơn hẳn so với trồng mía; ngô; sắn với lợi nhuận xấp xỉ 29 triệu đồng/ha/năm. Điểm mạnh nữa của AP1 là sau chu kỳ 10 – 15 mới phải trồng gốc khác, điều này giúp bà con có thể tiết kiệm tối đa chi phí đầu vào.
Vừa qua UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký văn bản chấp thuận chủ trương; địa điểm đầu tư dự án nhà máy sản xuất sợi dệt kết hợp phát triển vùng nguyên liệu cây gai tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy.
Dự án do Công ty An Phước làm chủ đầu tư với quy mô, công suất 10.000 cọc sợi/năm; sản phẩm đầu ra là sợi gai loại 1 (1.500 tấn/năm); bông gai loại 1 (1.300 tấn/năm); bông gai loại 2 (250 tấn/năm); vải mộc (3.600 tấn/năm)…
Mục tiêu của dự án là xây dựng nhà máy kết hợp phát triển vùng nguyên liệu cây gai nhằm cung cấp các sản phẩm sợi, dệt cho ngành dệt may. Từ đó giải quyết việc làm cho người lao động và tăng thu ngân sách nhà nước. Dự án có tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 627,9 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng khoảng 40ha….
“Ông Nguyễn Mậu Hiền ở thôn 5, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân cho biết: qua quá trình trồng thử nghiệm cho thấy giống gai xanh AP1 phù hợp với điều kiện tự nhiên ở nơi đây. Ngoài thân, củ, vỏ phục vụ nhu cầu sản xuất sợi thì lá cây gai xanh chính là nguyên liệu chủ yếu làm nên thương hiệu bánh gai Tứ Trụ nổi tiếng. Đây là mô hình thiết thực; giúp người dân tăng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích nên cần nhân rộng….”