Cây gai xanh là một loại cây đã có ở ta từ ngàn xưa. Tổ tiên chúng ta đã biết dùng sợi gai để bện thừng. Cho tới nay, gai được xếp là loại cây công nghiệp. Sản phẩm chính của nó là sợi. Sợi gai có độ bền gấp bảy lần so với sợi tơ tằm và tám lần so với sợi bông. Các cụ xưa vẫn dùng sợi gai để làm dây thừng. Loại thừng này rất bền nên được dùng cho tàu thuyền đi sông và đi biển. Nó còn được dùng để đan lưới đánh cá. Các cụ còn dùng sợi gai để dệt vải bố. Vải tuy thô nhưng rất bền.
Cây gai xanh AP1
Vì sợi gai bền, không bị giãn, không truyền điện; tỏa nhiệt nhanh, nên nó được pha trộn với bông, với len để dệt thành vải; làm dù bay, làm bạt che mưa che nắng, làm vải lót lốp xe ô tô; làm bao bọc dây điện.v.v. Có nước còn dùng chúng để làm ra loại giấy in tiền rất bền…
Lá gai thì được dùng để làm bánh gai – loại bánh rất đặc biệt của nước ta. Có nơi còn dùng lá gai để làm chè thay cho chè xanh. Nếu có nhiều lá, người ta có thể nấu làm thức ăn cho gia súc hoặc ủ làm phân bón cho cây trồng. Thế còn, thân và cành của cây gai được dùng làm nguyên liệu để làm giấy hoặc trồng nấu ăn. Rễ của cây gai lại là một vị thuốc để chống viêm, chống động thai và chảy máu..
Nhìn chung, cây gai có rất nhiều công dụng. Tuy nhiên, lâu nay cây gai chưa được quan tâm đúng mức. Tuy nó cũng được trồng ở nhiều nơi nhưng không đem lại hiệu quả đáng kể. Người ta thường coi đó là loại cây phụ nên chỉ trồng xen trong vườn hoặc các bãi hoang ven sông, ven suối.
Sự phát triển của cây gai xanh
Nhưng gần đây, trên thế giới đã có cách nhìn mới đối với cây gai. Người ta phát hiện ra các đặc tính ưu việt của cây gai và khả năng ứng dụng chúng vào đời sống rất hiệu quả. Vì vậy, nhiều người đã chú trọng tới việc phát triển cây gai. Đặc biệt là Trung Quốc. Họ chiếm tới trên 95% diện tích trồng gai trên toàn thế giới. Ngoài ra, Brazil, Philipin, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và một số nước khu vực Nam Á cũng đang đẩy mạnh việc trồng cây gai.
Giáo sư Lân Hùng tại ruộng gai xanh AP1
Động cơ chủ yếu cho việc phát triển cây gai vào thời điểm này chính là việc các hãng thời trang nổi tiếng trên thế giới đang đổ xô đi tìm các loại vải được dệt bằng sợi gai. Họ cho rằng sợi gai không những bền mà còn dễ nhuộm màu, có khả năng kháng khuẩn cao, chống được việc bám bẩn tự nhiên, chống được nấm mốc, có độ bền cao đối với ánh sáng, tốc độ khô nhanh khi phơi, chịu được nhiệt độ cao khi giặt.v.v
Một thời kỳ mới đối với cây gai đã được mở ra. Nó đang trở thành một đối tượng cây trồng đầy triển vọng cho nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Giá trị của cây gai được nâng cao đã thúc đẩy việc cải tiến kỹ thuật trồng và chế biến gai, đặc biệt là việc tạo ra các giống cây gai mới cho năng suất và chất lượng cao hơn.
Công ty chuyên về cây gai xanh AP1 tại Việt Nam
Chúng ta may mắn có được một công ty lớn đứng ra và đảm nhiệm việc này. Đó là Tập đoàn An Phước – Viramie (Tiền thân là công ty Cổ phần Đầu tư phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu An Phước). Họ là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu sợi và vải của Việt Nam. Họ là đơn vị đầu tiên dám mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình khép kín để phát triển vùng nguyên liệu cây gai và tổ chức sản xuất sợi gai ngay tại Việt Nam.
Họ quyết định đầu tư 628 tỷ đồng để xây dựng một nhà máy dệt sợi gai đầu tiên tại huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa với công suất 10.000 cọc sợi, công nghệ dây chuyền sản xuất được nhập từ Ý, Đức và Trung Quốc. Sản lượng đầu ra dự kiến là 1.500 tấn sợi gai/năm và khoảng 1.400 tấn bông gai/năm.
Nhà máy sản suất sợi gai An Phước – Viramie
Thanh Hóa đã quy hoạch cho 12 huyện tham gia trồng cây gai để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy. Một loạt tỉnh khác cũng đã tích cực thử nghiệm để đưa cây gai vào canh tác thay cho các đối tượng cây trồng kém hiệu quả như ở Sơn La, Lai Châu .v.v.
Công ty đã kết hợp với Viện Di truyền nông nghiệp thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam để chọn; tạo ra một giống gai mới, cho năng suất và chất lượng vượt trội, giúp cho bà con tăng năng suất từ 2 – 2, 5 lần và đó chính là giống gai xanh AP1.
Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng của chúng ta, cây gai nổi lên như một đối tượng sáng giá để nhiều địa phương lựa chọn thay cho các cây trồng khác kém hiệu quả. Đây sẽ là một bước ngoặt cho việc trồng trọt ở nhiều địa phương.
Giáo sư Lân Hùng