(TTV) – Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu An Phước vừa tổ chức Hội nghị tổng kết mô hình trồng cây gai xanh AP1 tại huyện Cẩm Thủy.
Giống gai xanh AP1 được lai tạo từ tổ hợp lai các giống gai lá tròn xanh với trúc lau xanh nhập vào Việt nam từ năm 2012 đến nay đã ổn định về mặt di truyền. Qua quá trình khảo nghiệm của Viện Di truyền Nông nghiệp; cây gai xanh AP1 được đánh giá có nhiều tính năng ưu Việt. Ngoài việc dùng vỏ cây để làm nguyên liệu chính trong sản xuất may mặc và các mặt hàng thời trang cao cấp; lá gai xanh AP1 còn được tận dụng để gói bánh gai và làm thức ăn gia súc; thân làm nguyên liệu sản xuất nấm, mộc nhĩ và phân bón…
Tiềm năng phát triển của cây gai xanh AP1
Nhận thấy hiệu quả của cây gai xanh, từ cuối năm 2015 sau khi được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương; địa điểm, cùng với việc triển khai phát triển 142 ha vùng nguyên liệu ở 34 xã thuộc huyện Cẩm Thủy; Công ty Cổ Phần Đầu Tư Phát Triển Sản Xuất và Xuất Nhập Khẩu An Phước còn tiến hành khảo sát; đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất sợi dệt kết hợp phát triển vùng nguyên liệu cây gai tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy để bao tiêu toàn phần các sản phẩm cho bà con nông dân.
Sau gần 1 năm triển khai trồng, hiện tại các hộ nông dân tham gia dự án ở huyện Cẩm Thủy đã bắt đầu thu hoạch lứa thứ 3 các sản phẩm từ cây gai xanh. Công ty An Phước cũng đã thực hiện đúng cam kết hợp đồng thu mua với giá 700 ngàn đồng/tấn cho các hộ gia đình.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, cán bộ chuyên ngành và bà con nông dân tại hội nghị cho thấy cây gai xanh AP1 đạt năng suất từ 1,4 – 1,7 tấn/ha. Nếu tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật; mỗi năm gai xanh AP1 có thể cho thu hoạch từ 5 – 6 lần. Hiệu quả kinh tế của việc trồng gai xanh AP1 cho thấy trồng loại cây này vượt trội hơn hẳn so với trồng mía; ngô; sắn với lợi nhuận xấp xỉ 30 triệu đồng/ha/năm./.