Chia sẻ kiến thức

Gai xanh – cây trồng ‘cứu cánh’

Chúng ta rất lo khi các hiệp định mà nước ta đã kí với các nước trên mặt trận kinh tế đang đến gần. Cái được sẽ rất nhiều nhưng cái lo cũng rất lớn.

Đặc biệt là việc xóa bỏ mức thuế giữa các nước trong khối. Tôi cứ băn khoăn, nhiều mặt hàng của ta có giá cao hơn với các nước bạn (thậm chí cao hơn nhiều lần). Vậy khi hội nhập ta sẽ giải quyết thế nào?

Giá ngô, giá mía, giá thịt gà, thịt lợn, thịt bò… của ta đều cao hơn bạn. Đến lúc hàng của bạn tràn vào thì hàng của ta làm sao cạnh tranh nổi! Đây là bài toán rất khó mà chúng ta phải tính tới. Có nhiều cách để giải bài toán này. Việc chuyển đổi đối tượng vật nuôi và cây trồng cho phù hợp với hoàn cảnh mới là một cách làm.

Ở phía Nam, nhiều nơi đã chuyển một phần diện tích lúa sang nuôi trồng thủy sản và trồng cây ăn quả. Kết quả rất tốt. Ở Tây Bắc, Tây Nguyên nhiều nông dân đã mạnh dạn đưa cây mắc ca vào trồng. Tới nay, hiệu quả rất rõ ràng. Những nơi đã trồng được 4 – 5 năm thì nay đã cho thu hoạch đều. Ngoài trồng thuần, bà con còn trồng xen mắc ca với cà phê, chè… Kết quả rất tốt. Đã hết cái thời chúng tôi phải tranh cãi với các nhà quản lý quan liêu và vận động và con trồng. Tới nay, việc phải lo là làm sao cung cấp đủ giống mắc ca tốt cho bà con vì khắp nơi đều đói cây giống với số lượng lớn.

Hàng loạt giống cây ăn quả đã được nhắc tới như: Chuối, dứa, cam, chanh, quýt, bưởi, nhãn, vải, chôm chôm, mít, na, thanh long, ổi, táo, sầu riêng… và nay lại rộ lên cả trái vú sữa nữa. Ta phải làm gì để trái cây của ta đủ sức cạnh tranh với trái cây của nhiều nước bạn đang tràn ngập thị trường thế giới.

Các loại cây công nghiệp cũng đã qua những bước thăng trầm. Cao su, cà phê, hồ tiêu, chè, mía, điều, thuốc lá… đang phải cạnh tranh khốc liệt. Có được chỗ đứng trên thương trường quốc tế không phải việc dễ. Ta đã hội nhập là phải cạnh tranh.

Tìm ra được các đối tượng cây trồng, vật nuôi đủ sức ngang hàng với thế giới đâu phải chuyện dễ. Các chuyên gia của chúng ta trên mặt trận nông nghiệp đang căng sức làm việc này.

Tôi may mắn được PGS.TS Đặng Trọng Lương – Phó Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp giới thiệu đến làm việc với Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và xuất nhập khẩu An Phước. Họ đóng tại Hà Nội. Rất nhiều vị lãnh đạo của công ty này đã từng lăn lộn trên mặt trận nông nghiệp. Họ hiểu rất rõ nền nông nghiệp nước nhà. Chính họ đã tìm ra được một hướng đi mới cho bà con ta. Đó là việc trồng cây gai để lấy sợi.

Cây gai không lạ gì với dân mình. Lá gai thường được dùng để làm bánh gai. Thế còn bà con ở miền núi hay lấy sợi của vỏ cây gai để xe sợi. Sợi gai rất bền. Tuy nhiên, cây gai của ta có vóc dáng nhỏ. Nó chỉ cao độ 1 – 2m.

Công ty An Phước đã phối hợp với các nhà khoa học ở Viện Di truyền nông nghiệp để du nhập và tuyển chọn những giống cây gai tốt của thế giới. Họ đã chọn và bình tuyển được giống gai xanh AP1. Giống này có khả năng sinh trưởng rất mạnh, thân thẳng, không phân cành và có thể cao tới 3m. Chúng là cây ưa nóng ẩm và không chịu được điều kiện ngập úng. Người ta xếp cây gai xanh AP1 là loại cây công nghiệp ngắn ngày và trồng để lấy sợi là chủ yếu. Nó có khả năng lưu gốc từ 7 – 10 năm hoặc lâu hơn nữa. Mỗi năm, ta có thể thu hoạch 4 – 5 lần. Nó cho năng suất sợi cao hơn các giống gai xanh của ta từ 2 – 2,5 lần. Bộ NN-PTNT đã công nhận chính thức giống gai xanh AP1 là giống cây trồng nông nghiệp mới và được phép phát triển ở Việt Nam.

Cây gai xanh là cây đa tác dụng nhưng sản phẩm chủ yếu là vỏ. Vỏ của chúng được dùng làm nguyên liệu để dệt nên những loại vải cao cấp. Ưu điểm nổi trội của sợi gai là có độ dài hơn hẳn các loại nguyên liệu khác và độ bền cao gấp 8 lần so với sợi bông và 7 lần so với sợi tơ tằm. Vải dệt từ sợi gai có đặc tính dễ nhuộm, có khả năng kháng khuẩn, chống bám bẩn tự nhiên, chống nấm mốc, bền với ánh sáng, phơi mau khô, chịu được nước nóng khi giặt… Vì vậy, các hãng thời trang cao cấp trên thế giới đều hướng tới các loại vải được dệt từ sợi gai.

Lá của cây gai xanh còn được dùng để làm gánh gai, làm thức ăn cho gia súc. Lõi cây gai thì có thể dùng làm nguyên liệu sản xuất giấy, làm giá thể để trồng nấm và làm phân bón hữu cơ. Củ gai tươi lại là nguyên liệu quý để làm thuốc an thai, dưỡng thai. Như vậy là, tất cả các bộ phận của cây gai đều có ích, đều mang lại lợi nhuận cho người trồng. Người ta tính, một năm trên 1ha trồng cây gai xanh AP1 có thể thu được từ 3 – 4 tấn vỏ khô, tương đương với 120 – 160 triệu đồng. Chính vì hiệu quả tốt như vậy nên nhiều tỉnh đã bắt tay với Công ty An Phước để trồng cây gai xanh. Điển hình là Thanh Hóa.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh trên địa bàn 12 huyện của tỉnh với tổng diện tích tới 3.000ha. Nó sẽ thay thế diện tích trồng một số loại cây kém hiệu quả như: lúa một vụ (288ha), ngô (803ha), mía (448ha), sắn (449ha) và diện tích rau màu kém hiệu quả (1.012ha).

Thanh Hóa cho phép xây dựng một nhà máy sản xuất sợi dệt tại xã Cẩm Tú (huyện Cẩm Thủy). Công ty An Phước đã đầu tư vào đây 628 tỷ đồng xây dựng nhà máy có công suất 10.000 cọc sợi với sản lượng đầu ra dự kiến 1.500 tấn sợi gai/năm và 1.400 tấn bông gai/năm. Nhà máy sẽ tạo việc làm cho 600 lao động và giúp tiêu thụ sản phẩm cây gai xanh cho 3.000 hộ nông dân trong tỉnh tham gia trồng.

Lãnh đạo Công ty An Phước còn cho chúng tôi biết, Công ty đang khuyến khích các nơi tiếp tục trồng cây gai xanh. Có bao nhiêu Công ty cũng thu mua hết. Hiện tỉnh Sơn La đã quy hoạch cho 3 huyện là Vân Hồ, Mộc Châu và Mai Sơn trồng cây gai xanh. Tỉnh Lào Cai và tỉnh Quảng Ngãi cũng đã tiến hành cho trồng thử nghiệm. Nếu cây gai xanh phát triển tốt thì tỉnh sẽ lập quy hoạch để phát triển cây gai xanh cho toàn tỉnh…

Công ty An Phước sẵn sàng cử cán bộ kỹ thuật xuống giúp cho các địa phương và ký kết hợp đồng bao tiêu. Họ cho biết, sản phẩm sợi gai xanh rất quý nhưng trên thế giới chỉ có một số nước trồng (trong đó, Trung Quốc chiếm trên 95% diện tích). Thị trường sợi từ cây gai lại rất sôi động. Xu hướng thời trang trên thế giới hiện nay đang hướng về các chất liệu hoàn toàn tự nhiên, an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng và thân thiện với môi trường. Sợi gai được xếp lên hàng đầu…

Phải chăng cây gai xanh sẽ là đối tượng cứu cánh cho nhiều vùng đang bế tắc trong việc lựa chọn các đối tượng cây trồng đủ sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.

Nguồn tin: nongnghiep.vn. Đọc thêm bài viết tại đây!

 

Nguyễn Lân Hùng

Comments are closed.

(+84) 943 820 921