QĐND – Tuần lễ thời trang Việt Nam Xuân Hè 2018 (Vietnam Fashion Week Spring- Summer 2018) đã có 4 đêm trình diễn ấn tượng vào đầu tháng 10 vừa qua. Ngoài những sáng tạo bắt kịp với thị hiếu người tiêu dùng thể hiện trên những bộ sưu tập của 19 nhà thiết kế (NTK), thì trên sàn diễn thời trang lần này xuất hiện những ứng dụng mới về chất liệu truyền thống và thiên nhiên Việt Nam. Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã trao đổi với NTK Minh Hạnh, Trưởng ban tổ chức Tuần lễ thời trang Việt Nam Xuân Hè 2018.
Phóng viên (PV): Bà đánh giá như thế nào về 19 bộ sưu tập với hàng trăm thiết kế mới của các NTK giới thiệu trong Tuần lễ thời trang Việt Nam Xuân Hè 2018?
NTK Minh Hạnh: Có thể khẳng định, Xuân Hè 2018 là mùa của chất liệu Việt Nam. Hầu hết các bộ sưu tập giới thiệu trong 4 đêm diễn được các NTK lựa chọn từ những chất liệu truyền thống, có nguồn gốc tự nhiên. Điều này cho thấy sự phong phú và chất lượng vải truyền thống Việt Nam đã thay đổi, cao cấp hơn. Với xu thế tiêu dùng toàn cầu, những chất liệu tự nhiên đang lên ngôi vì tính thích nghi cao và trong sạch môi trường. Qua những thiết kế lần này thấy rõ, các NTK đã nỗ lực khám phá và kết hợp với các nghệ nhân, nhà sản xuất để tạo ra những chất liệu tự nhiên phù hợp với yêu cầu của thị trường thời trang. Những chất liệu đũi Nam Cao, tơ tằm Nhật Minh, lụa Bảo Lộc, lụa Nha Xá, vải gai Thiên Ân-Quảng Ngãi, sợi gai An Phước… là cơ sở để chúng ta có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong việc tạo chất liệu quý giá cho thời trang cao cấp.
Bên cạnh đó, mỗi một mùa thời trang cũng là cơ hội cho các NTK thể hiện sáng tạo, đam mê của mình, đồng thời để thích nghi với thị trường. Từ những tuần lễ thời trang, các NTK đã tự tin bước ra và xây dựng “thương hiệu” của mình với người tiêu dùng, như Ngọc Hân với các thiết kế dành cho trẻ em; thiết kế của Hà Duy, Hữu La La, Vũ Trần Đức Hải, Hùng Việt, Cao Minh Tiến…
Nhà thiết kế Minh Hạnh
PV: Vải gai và sợi gai là chất liệu từ lâu được người dân Việt Nam sử dụng, vậy “câu chuyện” mới của sợi gai gắn với thời trang Việt Nam có tương lai như thế nào, thưa bà?
NTK Minh Hạnh: Có một dịp tình cờ tôi đến Quảng Ngãi để tìm chất liệu mới, gặp anh Trần Văn Minh (hiện là Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi) và anh tâm sự, ngày bé hay thấy mẹ lấy vải gai để vá quần áo cho mọi người trong gia đình. Khi được anh Minh dẫn đến các gia đình xe sợi gai, tôi đã rất bất ngờ, vì người dân ở đây vẫn xe sợi gai rất nhiều. Câu chuyện về cây gai, sợi gai đã mở rộng ra khi tôi tìm đến tỉnh Thanh Hóa và biết Công ty An Phước vừa đầu tư 1.000 tỷ đồng để trồng gai với sản lượng 7.000ha. Cây gai là loại cây công nghiệp thu hoạch nhanh, tuổi đời khoảng 10 năm, mỗi năm cho 4 lần thu hoạch. Sợi gai không bị ẩm mốc, rất chắc, và trên hết là giá thành chỉ bằng 1/8 so với tơ tằm. Cây gai ngay lập tức có tiềm năng, ngay trong thời gian diễn ra Tuần lễ thời trang Việt Nam Xuân Hè 2018 thì lãnh đạo của tỉnh Quảng Ngãi cùng các ban, ngành đã tới Thanh Hóa để làm việc với Công ty An Phước đẩy nhanh việc hợp tác về quy trình trồng và tiêu bao cây gai.
Đến giờ có thể lạc quan nói rằng, chúng tôi đã tìm được chất liệu bền vững cho thời trang Việt Nam. Bởi lâu nay những người làm thời trang Việt Nam bị phụ thuộc rất nhiều vào chất liệu từ các nước khác. Công nghiệp dệt của nước mình đang ở con số không, thị phần thấp không đủ cho thời trang. Nếu có sáng tạo mà không có chất liệu thì mình thất bại. Câu chuyện ở đây là nếu có thời trang mà không có chất liệu thì không phải là bản sắc của mình nữa, thời trang không có chất liệu là thất bại.
PV: Không chỉ là một NTK, nhiều năm qua bà còn được biết đến như một người tiên phong trong công cuộc kiếm tìm những chất liệu cho thời trang Việt Nam. Vậy trong các cuộc tìm kiếm đó có những điều gì khiến bà cảm thấy tiếc nuối?
NTK Minh Hạnh: Có rất nhiều sự đáng tiếc, nhất là những nguyên liệu quý như lụa Bảo Lộc (Lâm Đồng) là chất liệu được thế giới đánh giá đạt tiêu chuẩn cao cấp nhất, nhưng hiện nay chất liệu này đã được các công ty của Ý và Nhật bao tiêu hết. Người Việt hiếm hoi lắm mới được mặc và giá thành rất cao. Chúng ta cũng có cây bông, nhưng so sánh thì bông của Việt Nam không thể bằng Ấn Độ; chúng ta có lụa, nhưng lụa của Trung Quốc cao cấp hơn rất nhiều… Thị trường thời trang nước ta đang rất phát triển, nhưng chúng ta đang mặc đồ không tốt, không an toàn cho sức khỏe. Ăn và mặc luôn song hành cùng nhau, mọi quốc gia đều hướng tới mục tiêu ăn, mặc an toàn, bảo đảm sức khỏe, bảo đảm vệ sinh môi trường. Qua câu chuyện về chất liệu mới thấy đây là phần rất quan trọng trong việc xác định thời trang Việt Nam đang ở đâu. Có chất liệu quý thì thời trang mới có “tiếng nói”.
PV: Trân trọng cảm ơn NTK Minh Hạnh!
VƯƠNG HÀ (thực hiện)
Nguồn tin: Báo Quân đội nhân dân – Link